Giá nhà ở không ngừng leo thang mỏi mắt tìm nhà có giá dưới 1 tỷ đồng

Giá nhà ở không ngừng leo thang ngày càng hạn chế khả năng mua nhà ở của số đông người lao động. Trước năm 2019, giá căn hộ bình dân không vượt quá 16 triệu đồng/m2, thì nay là trên 25 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn. Giá nhà ở không ngừng leo thang mỏi mắt tìm nhà có giá dưới 1 tỷ đồng...

Thực tế, giá nhà ở không ngừng leo thang đang là rào cản với khả năng tiếp cận nhà của số đông người lao động. Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, do phải chịu áp lực về thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, nên dù muốn cũng không thể phát triển nhà ở giá rẻ.

Người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20-25% thu nhập, tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/tháng để mua nhà. Như vậy, để mua một căn hộ giá 1-1,6 tỷ đồng, thời gian trả góp kéo dài hơn so với quy định là trong 15 năm.

Trong phần trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Giá nhà đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động do nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà phức tạp…

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói và cho biết thêm, Đề án Xây dựng một triệu căn nhà xã hội đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho đầu tư nhà ở xã hội, nhưng chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê. “Cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, cũng như văn bản liên quan, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người có thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội...”, Bộ trưởng nêu rõ.

Trước năm 2019, giá căn hộ bình dân không vượt quá 16 triệu đồng/m2, thì nay là trên 25 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn.

Chẳng hạn, Khu nhà ở Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM của Tập đoàn Nam Long có tổng cộng 7 block nhà ở xã hội được quy hoạch. Trong đó, 1.323 căn hộ của 6 block đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019, giá bán 600-800 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, 242 căn ở block còn lại có giá không dưới 1 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức (thuộc quỹ đất 20%) của Công ty cổ phần bất động sản Dragon Village vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa chính thức mở bán, nhưng mức giá dự kiến là 25 - 29 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ diện tích 55 m2 có giá khoảng 1,4 tỷ đồng, nếu được vay ưu đãi, thì mỗi tháng người mua phải trả ngân hàng khoảng 8 triệu đồng.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM chia sẻ, có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc ở TP.HCM có nhu cầu nhà ở, nhưng chỉ gần 40.000 công nhân được thu xếp sinh sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp, còn lại phần lớn thuê trọ trong những căn phòng diện tích trung bình 14 m2, giá thuê trung bình 1,6 triệu đồng/tháng dành cho 4 người cùng ở.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP.HCM xác định chỉ làm việc ở thành phố một thời gian, sau đó trở về quê sinh sống. Lý do là thu nhập còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả dần hàng tháng để mua nhà ở xã hội trên thành phố.

Tổng Hợp