"Giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng như thế nào?

Từ lâu, việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch, biến từ rãnh nước thải đen ngòm thành con sông trong xanh đã khiến các sở ngành đau đầu.

Trao đổi với Zing, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết từ lâu Hà Nội gặp nhiều khó khăn đối mặt với bài toán làm sạch sông Tô Lịch, kèm theo đó là điều kiện địa chất, tự nhiên thay đổi rất nhiều do đô thị hóa gây nhiều trở ngại.

Ông nhấn mạnh 3 yếu tố: Thứ nhất là tách hoàn toàn được nước thải làm ô nhiễm; hai là tái tạo lại các điều kiện tự nhiên hoặc bán tự nhiên như bùn cát, hệ sinh vật dưới lòng sông. Thứ ba, quan trọng nhất, là tạo được dòng chảy ổn định, có tính bền vững.

"Cái khó nhất là tách nước thải, Hà Nội đã tháo gỡ được. Giờ bài toán bức thiết là tạo được dòng chảy cho con sông. Cái này chúng ta có mấy cách, mỗi cách có khó khăn, phức tạp riêng và sẽ không đơn giản", vị chuyên gia nhìn nhận.

Tô Lịch từ lâu được coi như dòng sông chết do ô nhiễm nặng và thường xuyên cạn nước. Ảnh: Việt Linh.
Tô Lịch từ lâu được coi như dòng sông chết do ô nhiễm nặng và thường xuyên cạn nước. Ảnh: Việt Linh.

Ông Trọng Hồng cho rằng, lấy nước từ sông Hồng qua hồ Tây rồi bổ cập cho Tô Lịch là phương án khả quan nhất. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, mức sông Hồng hiện đang thấp, cần phải huy động các nhà khoa học, nghiên cứu kỹ tìm ra lưu lượng nước cần thiết để tạo dòng chảy cho sông.

"Phải bắt đầu tư việc đo đạc lại chế độ thủy văn của sông Hồng nhất là vào mùa cạn. Ta phải tìm xem sông Hồng có thể đáp ứng lượng nước cần thiết cho Tô Lịch không. Nếu không đủ, thì ta phải tính đến phương án khác", ông nói.

Nếu đáp ứng các yêu cầu về lượng nước, Hà Nội tính đến chỉnh trị sông Tô Lịch thế nào, từ độ dốc, nạo vét khơi thông lòng sông, thu hồi đất 2 bên bờ, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. "Còn nếu kế hoạch này không khả thi, ta đành chấp nhận Tô Lịch chỉ còn là đường thoát nước cho Hà Nội", ông Vũ Trọng Hồng tiếc nuối nói.

Ông Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng cách này sẽ là mũi tên trúng 2 đích.

"Hồ Tây trước nay vẫn có tình trạng ô nhiễm vì không có nước ra, vào thường xuyên, trở thành hồ tù. Vì vậy, cấp nước cho hồ Tây rồi bổ cập cho Tô Lịch tức là vừa giúp Tô Lịch có dòng chảy vừa giúp cải tạo nước hồ Tây", ông Xuân Hồng nói.

Về phương án cấp nước cho Tô Lịch thông qua cống Liên Mạc, ông Xuân Hồng nhận định việc này sẽ khó khăn do cao trình của cống sẽ cao hơn mực nước sông Hồng đặc biệt là vào mùa cạn.

"Không có đường nước nối giữa cống Liên Mạc và đầu sông Tô Lịch. Đây lại là khu vực đô thị, đông dân cư nên mở được kênh dẫn nước sẽ càng khó. Tôi nghiêng về phương án lấy qua hồ Tây vì nó đã có sẵn đường dẫn nước tự nhiên rồi", vị chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Xuân Hồng cho rằng, việc xuất hiện của nhiều công trình thủy điện và các nguyên nhân khác khiến mực nước sông Hồng đã thấp hơn trước rất nhiều.

"Hà Nội cần tính toán, xây dựng trạm bơm nào, sử dụng thiết bị ra sao vừa đảm bảo hiệu quả lẫn kinh tế. Đây là dự án lớn, chắc chắn sẽ tốn kém, nhưng tôi tin sẽ làm được nếu có sự góp sức của các nhà khoa học và quyết tâm của chính quyền", ông nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, cho biết đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành rà soát các phương án phù hợp. Cách thứ nhất là bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây sau đó bổ cập cho Tô Lịch.Cách thứ 2, bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Theo ông Hùng, phương án này đem lại nhiều lợi ích do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.

Thanh Mai

Các chuyên gia ủng hộ bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch

Các chuyên gia ủng hộ bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch

"Thành phố nên lấy ý kiến rộng rãi và triển khai đánh giá tác động của giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng...", chuyên gia nói.