Giải Nobel Hòa bình 2022 được trao cho 2 tổ chức và 1 cá nhân

Ủy ban Nobel Na Uy hôm 7/10 cho biết, họ đã trao giải cho nhà hoạt động nhân quyền Belarus, cùng 2 tổ chức nhân quyền ở Ukraine và Nga.

Nhà hoạt động nhân quyền người Belarus Ales Bialiatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và tổ chức nhân quyền Center for Civil Liberties (Trung tâm tự do dân sự) ở Ukraine cùng nhận được giải thưởng này, vì những nỗ lực đề cao các quyền cơ bản của công dân.

Giải Nobel Hòa bình 2022 được trao cho 2 tổ chức và 1 cá nhân - Ảnh 1.

Nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski của Belarus là cá nhân đoạt giải Nobel Hòa bình 2022. Ảnh: Twitter

Ủy ban giải thưởng đánh giá những cá nhân và tổ chức này đã có nhiều nỗ lực nổi bật nhằm thể hiện tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ.

Ales Bialiatski là một trong những người khởi xướng phong trào dân chủ ở Belarus từ giữa những năm 1980.

Tổ chức nhân quyền Memorial được thành lập từ năm 1987 bởi các nhà hoạt động thời Liên Xô cũ. Andrei Sakharov và Svetlana Gannushkina là hai trong số những người sáng lập.

Center for Civil Liberties được thành lập ở Kiev từ năm 2007 để thúc đẩy quyền con người và dân chủ ở Ukraine. Trung tâm này hoạt động để thúc đẩy xã hội dân chủ, đưa Ukraine thành một nền dân chủ đầy đủ và soạn tài liệu về các tội ác chiến tranh, theo TPO.

Ủy ban Nobel Na Uy thông báo các cá nhân và tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình năm nay "đã có nhiều năm thúc đẩy quyền phản biện và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân".

"Họ đã có nỗ lực xuất sắc để ghi lại các tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực. Họ cùng nhau chứng minh tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ", Ủy ban Nobel Na Uy cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen, Ủy ban muốn trao giải Nobel Hòa bình cho các cá nhân và tổ chức trên vì muốn tôn vinh "nhân quyền, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở 3 quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine.

Danh sách đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay bao gồm 343 ứng viên, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Cơ quan về Người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Danh sách này được đề cử bởi các nguyên thủ quốc gia, thành viên chính phủ, nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội như các giáo sư đại học, chuyên gia hay người từng đoạt giải Nobel Hòa bình cũng có thể đề xuất các ứng viên tiềm năng, theo Dân trí.

Thời gian đề cử thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào ngày 31/1 năm sau. Danh sách rút gọn được đưa ra vào khoảng cuối tháng 2 và sau đó các thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy sẽ lựa chọn ra người chiến thắng.

Giải thưởng Nobel ra đời cách đây 120 năm do nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel khởi xướng, trao giải cho các hạng mục Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình và giải Nobel Kinh tế mới được bổ sung sau này.

Nobel Hòa bình là giải thưởng thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm nay. Mỗi giải thưởng có trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (tương đương 900.357 USD).

(Tổng hợp)

AN LY