Hà Nội cho phép dịch vụ cắt tóc gội đầu mở lại từ sáng 21/9

Hà Nội cho phép nhiều dịch vụ (trong đó có cắt tóc, gội đầu) được hoạt động trở lại.

Tối 20/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 21, điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Từ 6h ngày 21/9, UBND Hà Nội quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố

Các hoạt động, dịch vụ, cơ sở được hoạt động trở lại

Hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

TP cho phép hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe.

Cơ sở kinh doanh điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng, hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Ngoài môtô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép môtô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng môtô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19, khai báo y tế hàng ngày. Thời gian hoạt động từ 9h đến 22h hàng ngày.

Cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ cơ quan trung ương; lực lượng vũ trang, phòng chống dịch bệnh và cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu đã bị dừng từ giữa tháng 7
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu đã bị dừng từ giữa tháng 7

Chưa mở đường bay thương mại, tiếp tục ngừng hoạt động thể thao, giải trí

UBND Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Ngoài ra, UBND Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy, gồm: xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng môtô (trừ phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia).

Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng; tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự và một số loại hình dịch vụ khác không thuộc các nhóm được cho phép nêu trên tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn

Các hàng ăn vẫn chưa được mở đón khách, chỉ được bán mang về
Các hàng ăn vẫn chưa được mở đón khách, chỉ được bán mang về

 TP yêu cầu cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch. Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch đối với toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR và thực hiện 5K.

Nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất an toàn đáp ứng tình hình dịch bệnh, gửi UBND xã, phường, thị trấn để quản lý, giám sát, kiểm tra; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị.

UBND TP giao Sở Y tế xây dựng hướng dẫn tiêu chí an toàn đối với các lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh… Căn cứ vào số lượng vaccine được phân bổ, Sở Y tế phấn đấu hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân nhanh nhất, an toàn, hiệu quả. Sở Y tế tiêp tục chỉ đạo việc xét nghiệm, tầm soát tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Công an thành phố duy trì các chốt kiểm soát ra/vào TP; tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố đảm bảo chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Y tế xây dựng tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 an toàn tại cơ sở giáo dục, đào tạo; sẵn sàng phương án, điều kiện đón học sinh trở lại trường...
Chiều 20/9, ông Chử Xuân Dũng - PCT UBND TP Hà Ội - cho biết thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch từ 21/9; đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.

TH

Hà Nội nới lỏng giãn cách, người dân chen nhau mua bánh Trung thu

Hà Nội nới lỏng giãn cách, người dân chen nhau mua bánh Trung thu

Đường phố Hà Nội khá đông người tham gia giao thông trong ngày đầu gỡ bỏ 39 chốt phân vùng, có nơi bị tắc nghẽn do mua bánh Trung thu.