Tôi không đọc Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu của Trung Sỹ như một người đọc bình thường. À, mà cũng làm gì có người đọc không bình thường, chỉ là đọc như một người sinh ra cùng thời với tác giả, nghĩa là tôi cũng có một Hà Nội mũ rơm, tem phiếu của mình, nghĩa là mỗi câu chuyện kể, mỗi chi tiết trong cuốn sách đều cũng có thể ngân lên trong tôi những âm điệu tương tự của một thời xa xưa…
Lứa của chúng tôi, tôi và tác giả, sinh ra vào những năm 60 của thế kỷ trước, có lẽ là lứa lận đận nhất trong nhiều thập niên. Tất nhiên không thể so với những anh chị sinh vào những năm 50, mang cả tuổi trẻ và tính mạng đi vào chiến trường đầy máu lửa. Lại cũng không thể so với những lứa trên trên nữa, suốt cả ngàn năm đất nước có bao giờ bình yên đâu. Nhưng mà những đứa trẻ thành phố sinh vào những năm 60 như chúng tôi, vào thời cuộc ấy, cũng đều có chung một số phận khác so với những đứa trẻ tuổi ấy vào thời khác. Vừa bé bỏng bước vào mẫu giáo đã bị chiến tranh giật khỏi vòng tay êm ấm gia đình, đưa về nơi sơ tán, một phần ấu thơ là đi học trong hầm tránh bom, kinh hoàng nghe tiếng máy bay rít trên đầu, luôn thiếu ăn thiếu mặc, luôn nhớ cha mẹ, luôn hy vọng một ngày nào đó thôi chiến tranh để được về nhà mình ở phố. Thế mà cứ nhớ những ngày sơ tán như những ngày đẹp đẽ vô cùng trong cuộc đời.
Chúng tôi có quá nhiều ký ức, thế mà ngẫm lại, chẳng có lúc nào để nói về thế hệ mình được nhiều. Sách về tuổi thiếu nhi, thiếu niên thời ấy đến giờ ít quá, hoặc ít được để ý quá. Quanh đi quanh lại, có “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca, “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” của Hồng Vân, lại viết bằng tiếng Pháp, một số tản văn của Nguyễn Thị Hậu… Thế nên cầm đến cuốn sách dày xấp xỉ 270 trang, Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu, đã thấy như quay lại thời nhỏ xíu bám sau yên xe đạp mẹ, đường về chỗ sơ tán gập ghềnh xa lạ, mỗi đoạn lại dừng vì còi báo động. Nước mắt của mẹ, những trận khóc của mình. Lại gặp ngôn ngữ của một thời, những câu trong sách giáo khoa, những bài hát trước gọi là xuyên tạc, giờ gọi là nhạc chế, và cách bông đùa không hiểu sao tôi nghĩ chỉ của riêng lứa đầu 6, được rèn giũa qua nhiều khổ ải đến mức gì cũng đem ra đùa được.
Cũng bởi vì cùng thời, mà đọc xong, bỗng dưng muốn tách riêng hai thời Mũ rơm và Tem phiếu ra làm hai cuốn khác nhau. Chiến tranh và Bao cấp, là hai cuộc sống, tất nhiên chúng liên quan đến nhau song với lũ nhỏ, không phải lúc nào hai cuộc sống đó cũng đồng hành.
Nhưng là muốn thế thôi, mỗi đứa trẻ đi qua cuộc chiến, dù thuộc về một mẫu số chung, vẫn là những cá thể riêng biệt, ở những góc nhìn riêng biệt. Câu chuyện của Trung Sỹ trước hết là câu chuyện về chính cuộc đời tác giả. Một cuốn sách đầy đủ nhất về một trong những đứa trẻ thế hệ chúng tôi. Một cuốn sách sinh động về Hà Nội suốt dọc một thời kỳ lịch sử đầy biến động qua một giọng kể hóm hỉnh duyên dáng, thậm chí quá duyên dáng, không theo tuyến thời gian mà dích dắc theo cảm xúc.
Lời văn rất đẹp ở nhiều đoạn, chẳng hạn: “Những đêm sương tháng Ba, mặt ao bèo được thắp sáng bừng, lấp lánh màu vàng chanh bởi hàng nghìn con đom đóm. Đom đóm bay cả vào trong sân nhà. Lũ trẻ con đuổi theo lấy tay đập rụng, bắt nhốt vào lọ làm đèn. Lại có những con đom đóm lớn màu xanh lét, không rộn ràng nhấp nháy như lũ đom đóm vàng. Vệt xanh lặng lẽ huyền bí lướt qua trời đêm. U Nhu dõi theo, thì thào kể có những con đom đóm lớn sáng xanh như quả trứng gà. Đó là hồn người chết từ bãi tha ma về đón người trong họ…” (trang 29) hay “Toa xe điện cũ trôi vào gió/ Người sơ vơ già…Leng keng leng keng…Khuya sớm đi về một âm sắc thanh giòn, như nhắc với con phố dài ngói nâu đang ngái ngủ trong những sớm sương bay, rằng cuộc đời vẫn đang chảy trôi. Có thể nói tiếng chuông tàu điện chính là tín hiệu sinh động nhất cho nhịp sống uể oải nơi đất cũ Kinh kỳ…” (trang 155) khiến người đọc giật mình nhớ ra đây là hồi ức của một nhà văn đã đứng tuổi, không phải giọng kể của một đứa trẻ. Một cuốn sách quá nhiều đoạn văn đẹp, dường như so với những sự kiện được kể lại trong sách, những biến đổi quá lớn từ trong họ tộc, gia đình đến thành phố, tác giả đã đứng từ rất xa và bình tĩnh nhìn lại. Sự bình tĩnh ấy, cho đến khi đọc xong và đọc xong thêm lần nữa, tôi bất giác tự hỏi không biết có phải là một ưu điểm của cuốn sách hay không? Dường như là không, với tôi. So với cuốn sách thứ nhất, Chuyện kể lính tây nam, đã xuất bản năm 2017, trong cuốn này Trung Sỹ văn chương hơn, khéo léo hơn.
Tác giả Trung Sỹ |
Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu đương nhiên được viết nên bởi một tình yêu Hà Nội rất cháy bỏng. Tác giả, xuất thân từ một gia đình gốc gác tư sản, trải qua công cuộc công hữu hóa, đã từng thấy bà mình đi học tập cải tạo tư sản tư doanh và chứng kiến sự sa sút đầu tiên là vật chất, không thể không pha một chút đắng vào nụ cười. Những nụ cười rải rác suốt trong sách. Một điều tiếc nữa của tôi, là những nhân vật trong những câu chuyên kể thoáng qua, bà, cha, u Nhu, thày Tuệ… Chỉ vài câu, như vài nét phác họa tài tình, là ra cả một tính cách, cả một thân phận, nhưng đều chỉ lướt qua. Trường hợp duy nhất được xây dựng một tính cách hẳn hoi, là người cậu của tác giả, cậu Nhân “cậu tôi mê sách, mê nghệ thuật hội họa nhưng lười và bẩn như hủi” thì lại xuất hiện không nhiều. Không ít trang sa vào khảo cứu, như là những trang về ngôn ngữ Hà Nội, hàng tiêu dùng, âm nhạc.
Tất nhiên trong một cuốn hồi ức, những điều đó đều cần thiết, nhưng là liều lượng thế nào thôi. Không thể nghi ngờ sự thật trên từng trang viết, không thể nghi ngờ kỹ năng viết, kiến văn rộng, nhưng mà, như tôi nói đấy, tôi thèm được đọc đến những trang viết mà cả Mũ rơm hay Tem phiếu đều được chạm đến một cách sâu sắc hơn, thậm chí đau đớn hơn. Tôi muốn được nhìn ai đó, kể cả tác giả, trong bao nhiêu câu chuyện trong suốt hơn 260 trang sách được đẩy đến một giới hạn tính cách nào đó để làm chứng nhân cho cả một thời chúng tôi, lứa đầu 6 thế kỷ trước, đã sống qua với cả hạnh phúc và niềm đau thế hệ.
Nhưng như thế, thì hóa ra tôi đòi một cuốn tiểu thuyết, mà Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu thì chỉ là một cuốn hồi ức thôi.
Tác giả Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình tư sản dân tộc, viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung học năm 1978, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. Giải ngũ về công tác tại Công ty Vinaconex cho đến khi nghỉ hưu. Trước Hà Nội, Mũ rơm và Tem phiếu, ông đã xuất bản cuốn Chuyện lính Tây Nam.
Loạt ảnh xếp hàng lấy nước thời bao cấp, giống Hà Nội những ngày này không ngờ
Trước khi có hệ thống nước như bậy giờ, người Hà Nội đã trải qua một thời gian dài vật vã xếp hàng bên những máy nước công cộng.