Hai cây tùng trong công viên

Tôi luôn tin cây cối cũng có linh hồn khi nó có đời sống tự nhiên dài hơn, chứng kiến bao đổi thay của tự nhiên và của chính con người.

Công viên là một ô vuông đất như cái vườn nhỏ nằm giữa những dãy nhà cao năm tầng lầu, xung quanh là đường nội bộ dẫn ra đường chính lúc nào cũng có thể kẹt xe.

Là một khoảng lặng trong khu chung cư đông đúc, mỗi sáng mỗi chiều khi mọi người tấp nập đi lại thì nơi đây vẫn yên tĩnh. Thảm cỏ xanh vài chú chim sẻ lích chích, cây bàng tán rộng rợp bóng mát cả một khoảng vỉa hè, cây ngọc lan cao cao, sáng sớm hương hoa vấn vít, vài cây dừa, mấy cây điệp vàng... Mấy chú sóc nhanh nhẹn chạy từ cành nọ sang cành kia, có lúc còn mạnh dạn xuống đất đứng nhìn người. Không biết cây cối ai trồng từ lúc nào, đặc biệt có hai cây tùng vươn cao thẳng tắp, lá xanh ngắt cành nép vào thân, cây trông như mũi tên khổng lồ. Dân cư ở quanh gọi đây là “công viên hai cây tùng”.

Tranh minh họa: Leonid Afremov.
Tranh minh họa: Leonid Afremov.

Vỉa hè quanh công viên có vài chiếc ghế đá. Sáng chiều có thêm vài bộ bàn ghế nhỏ của quán cà phê, khách thích ngồi dưới tán lá xanh có những tia nắng vàng lọt xuống nhảy nhót... nắng đến đâu bàn ghế kéo dạt đến đấy... rồi giải tán khi mặt trời lên cao. Khách là các bác hưu trí trông còn trẻ trung, bác gái bác trai quần ngắn, áo thun, giày thể thao, tay cầm vợt tennis hay vợt cầu lông, đi xe máy đến thắng kít trước quán, gạt nhanh chân chống, kéo ghế ngồi ồn ào gọi nước. Rồi rôm rả chuyện con dâu, con rể, chuyện cơ quan cũ, chuyện đi du lịch... Lại có nhóm các “cụ” chỉ bàn chuyện thời sự, có khi cao giọng cãi nhau về chính trị trong và ngoài nước.

Có hôm nhóm khác đến ngồi quanh gốc cây tùng. Nhóm này trẻ hơn nhưng “đạo mạo” ấm trà với đủ cả phích nước, ấm chuyên, chén tống, chén quân, nói nhiều chuyện về sách vở, thỉnh thoảng thấy khoe nhau sách mới và bàn tán vui vẻ... Trong công viên còn có những bà nội, bà ngoại, vài cô giúp việc ngày nào cũng đưa trẻ xuống chơi. Thỉnh thoảng xe đạp bán hàng rong đi qua phục vụ các bà nội trợ tận nhà. Chó ta, chó kiểng ở nhà lầu được mang xuống đây đuổi nhau trông vui mắt... Hai cây tùng cứ đứng đấy, im lặng lắng nghe mọi chuyện, thỉnh thoảng cành lá khẽ đung đưa ra chiều hiểu biết hết...

Ngày nào cũng thế, công viên hai cây tùng trở thành nơi quen thuộc của nhiều người... Cho đến một buổi sáng khi mọi người đến đây thấy có gì đó trống trải là lạ... Nhìn quanh bỗng sững sờ, hai cây tùng cao vút đã biến mất chỉ còn lại gốc cây bị cưa sát mặt đất nhựa đang tràn ra như nước, những cây điệp, cây dừa, cây ngọc lan ngọn chặt ngang tỉa cành trụi lủi. Mới buổi sáng mà công viên đã nắng gay gắt.

“Sao như vừa qua một trận bom thế này?!” - một bác cựu chiến binh bất bình kêu lên. Mọi người như bừng tỉnh, nhìn nhau: Ủa sao kỳ vậy, hôm qua còn nguyên mà...? Hỏi thăm và truy mãi mới ra việc sáng sớm nay người ta lợi dụng việc tỉa cành cây vì mùa mưa bão đã tùy tiện chặt cây mang đi, để lại bãi “chiến trường” là thảm cỏ khô nước muốn héo, cành cây vương vãi khắp nơi, bầy chim sẻ và những chú sóc trốn mất tiêu...

Sau đó mấy ngày tôi đi công tác về ghé lại nơi này. Ngồi ở ghế đá bữa trước còn ẩn dưới gốc tùng, nay thì hai gốc cây đã xám đen mà nhựa vẫn ứa ra tràn trề như dòng nước mắt trào ra từ đôi mắt bị thương... Quanh công viên thưa hẳn người, quán cà phê vắng khách... Bọn trẻ ngơ ngác, cả mấy con chó cũng ngơ ngác vì không nhận ra cảnh vật quen thuộc nữa.

Ở những nơi tôi vừa đi qua, tháng bảy mùa hè cũng nắng gay gắt. Tất cả công viên lớn nhỏ vẫn xanh mướt bãi cỏ và những hàng cây, trong thành phố ở đâu cũng có màu xanh từ hàng cây cổ thụ trên vỉa hè đến những bồn cỏ, chậu cây nơi góc phố. Những khu vườn nho nhỏ ở nhà bạn bè đều có vài ba cây xanh và những cụm hoa, đến cả bệ cửa sổ, bậc thềm nhà cũng được đặt những chậu hoa, chậu cây nhỏ... Ra khỏi thành phố là những con đường chạy giữa hai bên rừng cây xanh ngút ngát.

Bạn tôi mới dọn về một ngôi nhà có khu vườn khá lớn, người của Sở công viên đến nói, nếu bạn muốn trồng cây gì và bao nhiêu cây thì Sở sẽ đến trồng miễn phí, bạn chỉ cần tưới cây mỗi ngày, nếu thấy có gì bất thường thì báo họ sẽ đến chăm sóc ngay... Khắp nơi là màu xanh bao phủ như vậy mà chính quyền và người dân ở đó đã lo lắng và làm nhiều việc để hạn chế tác hại của “biến đổi khí hậu toàn cầu”. Cây xanh mang con người đến gần thiên nhiên hơn, phải chăng nhờ vậy con người thân thiện hiền hậu với nhau hơn?

Không nơi đâu có nhiều khẩu hiệu bảo vệ rừng và phong trào trồng cây như ở nước ta, vậy nhưng dù đã có lệnh đóng cửa rừng vẫn thường xuyên phát hiện lâm tặc vào triệt hạ, trồng rừng không hề bù đắp được số lượng cây đã bị khai thác. Cây xanh đô thị hàng chục, hàng trăm tuổi bị đốn hạ để mở đường làm cầu, những cây non bị cắt tỉa sát thân không còn sức sống. Nhà cao tầng san sát những khối bê tông ngột ngạt... Mỗi năm hè về, cả thành phố như bị nung trong lò lửa khổng lồ, chỉ mưa một trận trên núi thì lũ quét xuống ngay đồng bằng...  Thế mà lại vừa có thông tin “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất thế giới”, truyền thông còn hồ hởi phấn khởi “nước ta phải thành cường quốc về xuất khẩu gỗ”.

Tôi luôn tin cây cối cũng có linh hồn như con người khi nó có đời sống tự nhiên dài hơn, chứng kiến bao đổi thay của tự nhiên và của chính con người. Tận diệt thiên nhiên là đã gây “nghiệp” cho chính chúng ta và con cháu. Xã hội ngày càng nhiều tin tức bất an, có khi chỉ vì một cái cớ vụn vặt nào đấy, lẽ nào không liên quan đến sự tàn phá thiên nhiên?

Dòng nhựa ứa ra từ hai gốc tùng vẫn chưa hết...  Nước mắt con người sẽ còn tuôn chảy vì thiên tai, mà nói cho cùng là hậu quả của chính con người.

Nguyễn Thị Hậu

Cây sinh mệnh

Cây sinh mệnh

Nếu có phép màu, ta ước vá lành những vết thương trên da thịt đất mẹ, phủ lên những bộ xương khô khổng lồ màu xanh hiền hòa căng tràn nhựa sống.

Đọc nhiều nhất