Mùa này về quê theo đường lộ trải giữa những cánh đồng lúa chín. Lúa tăng vụ thân thấp trĩu nặng hạt vàng, máy gặt đập chạy qua để lại trên ruộng hàng rơm ngắn và những gốc rạ sát mặt ruộng. Trên cánh đồng, đàn vịt đua nhau rúc mỏ nhặt lúa rơi và khoan khoái rỉa lông khi cơn mưa chiều vừa qua. Xa xa mây xám còn vần vũ mà tia nắng cuối ngày đã rực lên, bóng người chăn vịt ngả dài trên mặt ruộng loang loáng nước...
Từ thời xa xưa khi những người lưu dân khai phá vùng châu thổ Cửu Long, mỗi năm vào mùa nước nổi trên những cánh đồng mênh mông có giống lúa trời lớn đua với nước. Lúa chín mà nước còn chưa rút, người ta bơi xuồng len lỏi cắt lúa trên ngàn. Những hạt lúa rơi rụng trong nước phù sa, ẩn mình trong đất mùa sau lại mọc lên những đám lúa trời như để nuôi người xa xứ lạc loài tới đây.
Ảnh: Lê Nhật Vượng Anh. |
Tại vùng đất phèn sông rạch chằng chịt, mùa nắng cháy da, mùa mưa nước ngập trắng trời, con người phải lựa chọn vật nuôi nào có ích cho nghề nông nhưng phải biết “sống chung với nước”. Và họ đã tìm thấy hai con vật phù hợp nhất với đồng ruộng miền Tây: gia súc thì có con trâu, còn gia cầm là con vịt.
Con trâu khi cày ruộng lầy, khi kéo cộ lúa trên đường gập ghềnh hay lầy lội, mùa nắng một bãi bùn cũng đủ cho trâu tránh nóng. Khi nước về cũng là “mùa len trâu”, từng bầy trâu bơi trên biển nước về nơi gò cao tránh lũ. Còn giống vịt thì dễ nuôi, ăn khỏe, lớn nhanh, đẻ nhiều, thích nghi nhanh với thời tiết, khí hậu và đặc biệt là luôn cần môi trường nước. Nghề nuôi vịt ở miền Tây chắc hẳn đã có từ rất sớm.
Cánh đồng miền Tây sau mùa gặt đây đó những bầy vịt chạy đồng lang thang. Vịt bầy thường có lông màu trắng, vào đầu mùa lúa chúng còn khá nhỏ, bộ lông chưa mướt mát, nhưng chỉ sau một tuần mươi ngày ăn lúa mót, ăn con ốc con tép... chúng thay đổi hẳn, lớn mập từng ngày. Bộ lông được tỉa rửa thường xuyên trở nên mượt mà, sau mỗi trận mưa lại trắng tinh, cả bầy như những đứa trẻ vừa được tắm rửa sạch sẽ trông rất đáng yêu. Mỗi đêm bầy vịt tụm lại rúc mỏ vào nhau thiếp đi, đến hừng đông nhộn nhạo theo người băng ruộng đến cánh đồng khác.
Những chuyến đi khảo sát miền Tây của tôi vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, mỗi mùa là một nỗi nhớ nhưng hình ảnh bầy vịt chạy đồng luôn mang lại cảm giác nao nao... Những buổi chiều hôm khi ngọn khói đốt đồng thơm mùi rơm mới lan theo gió, khi bầy vịt thong thả nghỉ ngơi sau một ngày “vất vả” kiếm ăn thì người chăn vịt cũng nhóm bếp bên cái lều nhỏ che tạm.
Hoàng hôn xuống rất nhanh, bóng người chập chờn bên ngọn lửa rồi từ từ nhòe vào đêm. Đi theo bầy vịt chạy đồng thường là những người đàn ông, họ trông giống nhau trong bộ quần áo sẫm màu và chiếc khăn rằn cột ngang trán, đầu trần, vai đeo giỏ bàng đựng mấy đồ dùng đơn sơ, điếu thuốc vấn trên môi, tay cầm chiếc cần câu hay cây sào dài buộc mấy cành lá. Ở họ toát ra vẻ cô đơn mà phóng khoáng. Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu. Mấy trăm năm khai khẩn vẫn còn ngưng đọng lại đây...
Ở miền Tây thịt vịt là món ăn rất phổ biến, ai về đây mà không từng thưởng thức thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, lai rai ba xị đế không thể thiếu gỏi vịt luộc hoa chuối. Nồi cháo vịt nấu bằng gạo rang và đậu xanh, điểm mấy miếng huyết vịt nâu nâu, ăn chén cháo nóng hơi loãng cho thêm miếng bún và nắm giá sống mới đúng kiểu miền Tây.
Miền Tây còn có cà ri vịt, vịt nấu chao bùi bùi miếng khoai cao hay vịt nấu khóm chua chua ngọt ngọt ăn hoài không ngán. Rồi vịt bọc đất sét nướng rơm, vịt khìa nước dừa... Chiều tối tiếng rao hột lộn ơ... từ chiếc xuồng nhỏ trên có bếp cà ràng lập lòe than hồng bán trứng vịt lộn trứng vịt vữa, mùi rau răm quyến rũ... Có lẽ nghề ấp trứng vịt lộn cũng có từ lâu lắm, vì phải biết ấp trứng thì mới có vịt bầy mà lùa ra đồng chứ loài vịt có biết tự ấp đâu?
Chén cháo trắng thơm mùi lá dứa với trứng vịt muối cũng là món ăn quen thuộc lúc đêm hôm hay sáng sớm. Mỗi mùa bánh trung thu tiêu thụ hàng trăm ngàn quả trứng muối. Và có thể nào quên nồi thịt kho hột vịt nước dừa, món khổ qua xào trứng hay trứng hấp nấm rơm... quen thuộc trong bữa cơm của người miền Tây?
Bữa hôm ăn cơm với đám học trò đang đi khai quật khảo cổ ở vùng tứ giác Long Xuyên - vùng trồng lúa lớn nhất nước - thấy có món trứng vịt chiên, tôi hỏi: “Mùa này trứng vịt tươi ngon quá, mà có rẻ không?”. Mấy đứa con gái nhanh nhẹn trả lời:
- Dạ rẻ rề cô ơi... mà trứng này không phải mua.
- Ủa chớ đâu có?
- Dạ tụi em đi theo bầy vịt chạy đồng lượm trứng rớt, nhìn thấy ông chủ tụi em chạy quá trời, mà ổng cũng chạy theo... kêu lại cho thêm một mớ trứng nữa, còn dặn bữa nào muốn ăn thịt vịt thì nói, ổng lựa cho mấy con mập mập...
Trước đây vào mùa vịt chạy đồng, từ miền Tây rất nhiều ghe lớn chở đầy vịt và những cần xé đầy trứng vịt ra các chợ đầu mối hay lên thành phố. Nhưng dịch bệnh cúm gia cầm một dạo đã tiêu diệt hàng ngàn bầy vịt hiền lành, rồi vịt nuôi trang trại “siêu thịt” và trứng vịt “an toàn” bán đầy các siêu thị và quán ăn... món thịt vịt đồng săn chắc mà xương mềm ngày càng ít gặp nơi phố thị.
Thiên truyện nổi tiếng “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hình như đã như đánh dấu một khúc quanh buồn của nghề nuôi vịt chạy đồng. Mỗi năm đi về những con đường miền Tây vào mùa này lại thấy bầy vịt chạy đồng vắng hơn năm trước...
Chùm chìa khóa nhà
Với chùm chìa khóa dặn dò “người dưng”: Em cầm chìa khóa nhà nhé, là thay lời muốn nói hãy coi đây là tổ ấm để bắt đầu một cuộc sống mới.