Họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt cuốn sách "Nhà và Người"

Họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, từ nhà thấy người, từ người thấy nhà.

Ngày 8/8, tại hội trường NXB Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), họa sĩ Lê Thiết Cương đã giới thiệu đến độc giả cuốn sách Nhà và Người. Cuốn sách tập hợp 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua (khoảng từ năm 2000-2023) cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất.

Trong buổi trò chuyện giao lưu nhân dịp ra mắt sách, tác giả Lê Thiết Cương chia sẻ: “Tôi là người đi qua rất nhiều vùng đất, trong cuốn sách này, bất kể viết về vùng đất nào, viết về người nào, ngôi nhà nào thì quan điểm viết của tôi không bao giờ thay đổi, tôi không viết về 2 + 2 = 4 mà tôi sẽ đi giữa ranh giới sai - đúng, đúng - sai”.

Sáng 8/8/2024 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức buổi giới thiệu sách
Sáng 8/8/2024 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức buổi giới thiệu sách "Nhà và người" của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Trong cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương viết về chuyện người, chuyện gia cảnh, từ nhà thấy người, từ người thấy nhà. Trong đó còn có những câu chuyện về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ như: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh… hãy những vùng đất anh từng đi qua, nơi lưu giữ những kỷ niệm của cuộc đời. Đặc biệt là vùng đất Thăng Long - Hà Nội được Lê Thiết Cương dành nhiều tình cảm lẫn quan sát tinh tế, thú vị. Đây vừa là nơi anh sinh ra, cũng là vùng đất trú ngụ, nuôi dưỡng những người tài đến với nó nhiều hơn.

Theo họa sĩ, những ngôi nhà chứa đựng vẻ đẹp tinh thần từ người chủ cho thấy cốt cách để làm nên phong cách nghệ thuật của họ. 

"Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà, chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác", họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Cuốn sách
Cuốn sách "Nhà và Người" của Họa sĩ Lê Thiết Cương

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tiết lộ viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Những trang viết trong Nhà và Người của anh cũng đưa đến những lí giải về những vùng miền khác như: tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp; tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”; tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to.... 

"Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chẳng là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản,” họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ. 

Nhận xét về cuốn sách Nhà và Người của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Phát hiện ra ‘nhà’ là phát hiện ra ‘người’ và ngược lại. Những vẻ đẹp của ‘nhà’ và ‘người’ đã làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt. Tôi nhận thấy chúng ta đã đánh mất đi quá nhiều vẻ đẹp văn hóa Việt dù chúng ta đang sống trong chính những vẻ đẹp đó".

Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng họa sĩ Lê Thiết Cương là người có rất nhiều tri thức về văn hóa và sống rất kỹ lưỡng, luôn quan sát tất cả mọi thứ một cách cực kỳ chi tiết. “Bên cạnh là một họa sĩ, trong anh có một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học với tư duy độc đáo, với anh mọi thứ đều có lý lẽ của nó không có cái gì là tự nhiên”, nhà văn Đỗ Bích Thuý cho hay.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tiết lộ Nhà và Người là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 tản văn của anh, tiếp theo sẽ là cuốn Trò chuyện với hội họa và Trong hạt thóc có hạt gạo tập hợp những bài viết về văn hóa Việt.

Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, anh tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Từ năm 1990 đến nay, anh hoạt động như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội. Anh được biết đến nhiều nhất với vai trò là một họa sĩ với nhiều triển lãm cá nhân ở nhiều nước từ năm 1995 đến nay và vẽ minh họa cho các báo, tạp chí.  

Họa sĩ Lê Thiết Cương có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore. Ngoài ra, họa sĩ Lê Thiết Cương có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ các họa sĩ trẻ và xây dựng cộng đồng nghệ thuật (thông qua việc tổ chức các triển lãm phi lợi nhuận tại Gallery39 - số 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội và làm giám tuyển các triển lãm hội họa và giám khảo cho một số cuộc thi nhiếp ảnh).

PV

 Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029

Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029

Sáng 24.6, Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029.