Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024: Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm chính thức sau nửa thập kỷ

Thủ tướng Narendra Modi sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 23/10 trong hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nga. Đây sẽ là cuộc thảo luận chính thức đầu tiên của họ kể từ khi căng thẳng biên giới bùng lên ở phía Đông Ladakh vào tháng 5/2020.

Thông báo này được đưa ra từ Ngoại trưởng Vikram Misri, một ngày sau khi Ấn Độ và Trung Quốc hoàn tất thỏa thuận về việc quân đội hai nước tuần tra dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía Đông Ladakh. Báo cáo cho biết thêm, thỏa thuận này được coi là bước đột phá trong nỗ lực chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự kéo dài 4 năm giữa hai quốc gia.

"Tôi có thể xác nhận rằng sẽ có cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 23/10 bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS", Misri nói, được PTI dẫn lời.

Mặc dù ông Modi và ông Tập đã trao đổi vui vẻ một thời gian ngắn tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào năm 2022, nhưng đây sẽ là cuộc gặp có cấu trúc đầu tiên của họ kể từ khi căng thẳng bùng lên dọc biên giới. 

Theo báo cáo của PTI, lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo có sự tương tác không chính thức là vào tháng 8/2023 tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg.

Cuộc họp dự kiến diễn ra tại Kazan, thành phố đăng cai hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024: Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm chính thức sau nửa thập kỷ- Ảnh 1.

Thủ tướng Narendra Modi gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau nửa thập kỷ. Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận tuần tra

Khi được hỏi về thỏa thuận tuần tra mới đạt được hôm thứ Hai, Misri cho biết trọng tâm trước mắt sẽ là rút quân và các cuộc đàm phán tiếp theo về việc giảm leo thang quân đội dự kiến sẽ diễn ra sau đó, báo cáo cho biết thêm.

PTI dẫn lời Misri cho biết: "Các hoạt động tuần tra và chăn thả gia súc trong các khu vực đang thảo luận sẽ trở lại tình trạng như năm 2020".

Các thỏa thuận rút lui trước đây không được xem xét lại trong các cuộc thảo luận này. Thay vào đó, trọng tâm là các vấn đề chưa được giải quyết trong vài năm qua.

Misri lưu ý rằng thỏa thuận này nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ trong tương lai dọc theo LAC. Ông nói thêm: "Chúng ta phải đảm bảo có các cơ chế để tránh những sự cố như vậy trong quá khứ".

Ấn Độ - Trung Quốc căng thẳng kéo dài

Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc rơi vào căng thẳng sau cuộc đụng độ chết người ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, cuộc xung đột quân sự tồi tệ nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ. 

Kể từ đó, cả hai bên đã rút lui khỏi một số điểm xung đột sau nhiều cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao, mặc dù các vấn đề chưa được giải quyết vẫn tồn tại ở các khu vực như Depsang và Demchok.

Thỏa thuận mới đạt được dự kiến sẽ giải quyết các khu vực này, cho phép cả hai nước tiếp tục tuần tra.

Lãnh đạo CPI D Raja kêu gọi quan hệ hòa bình biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại. "Cả hai nước phải thấy rằng biên giới vẫn hòa bình, không có căng thẳng hay xung đột quân sự", Raja nói và cho biết thêm rằng sự tin tưởng và đối thoại lẫn nhau là chìa khóa để tìm ra giải pháp lâu dài.

Ông đề xuất rằng Ấn Độ và Trung Quốc nên quay lại tình trạng như hồi tháng 4/2020, cho thấy điều đó có thể dẫn đến căng thẳng xuống thang hơn nữa.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 21/10 thông báo rằng thỏa thuận tuần tra là kết quả của các cuộc đàm phán sâu rộng giữa các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc ở cả cấp độ ngoại giao và quân sự.

Trong khi đó, Trung Quốc xác nhận thỏa thuận và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi đã đạt được giải pháp về vấn đề liên quan và sẽ làm việc với phía Ấn Độ để thực hiện giải pháp". 

CHẤN HƯNG