Israel và sự định hình lại thế giới

Là quốc gia nằm ở trung tâm Trung Đông, sự tồn tại của Israel đã định hình lại diễn ngôn toàn cầu về chủ quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Song đối với người Palestine, câu chuyện về Israel lại gắn liền với sự di dời, bạo lực và cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại hệ thống áp bức mà nhiều người nhận thấy. Khi Israel khẳng định vị thế trên trường quốc tế, các hành động và chính sách của nước này cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về công lý, trách nhiệm giải trình và nghĩa vụ đạo đức của cộng đồng quốc tế. 

Trọng tâm của cuộc tranh luận này không chỉ là số phận của người Palestine mà còn là tác động ở khuôn khổ rộng lớn hơn đối với quản trị toàn cầu và nhân quyền.

Nền móng của Israel được xây lên từ những câu chuyện tôn giáo có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với người Do Thái. Khi nước này được thành lập vào năm 1948, các văn bản Kinh thánh đã cắm rễ sâu trong những tuyên bố lãnh thổ của Israel, từ đó đóng vai trò là nền tảng cho bản sắc dân tộc của họ. 

Tuy nhiên, những tuyên bố tôn giáo này đã đặt ra cái giá rất đắt cho người dân Palestine vốn đã sinh sống ở vùng đất này trong nhiều thế kỷ. Sự đánh đồng giữa bản sắc tôn giáo và dân tộc đã tạo điều kiện cho sự gạt bỏ các quyền con người và xâm phạm di sản của người Palestine. 

Điều này không chỉ châm ngòi xung đột mà còn đặt ra thách thức khó khăn đối với chuẩn mực toàn cầu về chủ quyền và quyền tự quyết.

Israel và sự định hình lại thế giới- Ảnh 1.

Xe quân sự của Israel tại khu vực tập kết gần biên giới với Lebanon hôm thứ Ba. Ảnh: The New York Times

Israel cũng là quốc gia duy nhất ở Trung Đông được biết là sở hữu vũ khí hạt nhân, với ước tính từ 80 đến 400 đầu đạn. Khả năng hạt nhân của Israel vẫn còn là bí ẩn, nhưng vẫn gây ra những rủi ro tiềm tàng đáng kể cho sự ổn định khu vực. 

Sự tồn tại của những vũ khí như vậy đã thúc đẩy tham vọng hạt nhân của các nước láng giềng, đặc biệt là Iran, do đó càng làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang đe dọa hòa bình và an ninh. Sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết kho vũ khí hạt nhân của Israel cho thấy một tiêu chuẩn kép đáng lo ngại trong quản trị toàn cầu. 

Ở đây, trách nhiệm giải trình được thực thi một cách không hề nhất quán. Chính hệ thống giám sát có chọn lọc này đe dọa sự ổn định khu vực mà còn báo hiệu rằng một số quốc gia có thể hành động vượt ra ngoài những ràng buộc của các quy tắc quản lý hòa bình toàn cầu.

Sự miễn trừ

Israel thường có hành động cho thấy sự coi thường trắng trợn đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc không ngừng mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng. 

Cả Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và nhiều cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đều đã lên án những khu định cư này là bất hợp pháp, nhưng Israel vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhiều khu định cư ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Chính sách này có những tác động rất thảm khốc, nó dẫn đến việc người Palestine phải di dời và còn làm xói mòn các quyền cơ bản của họ.

Trong lịch sử, Mỹ và các quốc gia thực dân cũ đã hành động như "lá chắn" cho Israel khỏi trách nhiệm quốc tế, phủ quyết nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm buộc Israel chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. 

Chính sự miễn trừ ấy đã khuyến khích các hành động xâm lược sau này và duy trì một chu kỳ bạo lực gây ra bi kịch tàn khốc cho thường dân Palestine.

Israel và sự định hình lại thế giới- Ảnh 2.

Lệnh sơ tán mới nhất của Israel là lệnh đầu tiên được ban hành trong nhiều tuần đối với Gaza và có thể báo hiệu một làn sóng di tản hàng loạt mới và một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Ảnh: AFP

Ảnh hưởng của Israel còn lan rộng đến các diễn đàn quốc tế. Nhiều người cho rằng họ đã biến các cuộc thảo luận thành những cảnh tượng trống rỗng với những kết quả vô nghĩa. Mặc dù LHQ đã nhiều lần thông qua các nghị quyết lên án các chính sách của Israel, nhưng những nghị quyết này thường không được lắng nghe. 

Ví dụ, Nghị quyết 2334 của HĐBA LHQ năm 2016 để kêu gọi chấm dứt việc xây dựng khu định cư đã bị giới lãnh đạo Israel bác bỏ. Điều này càng phản ánh sâu sắc sự bất đồng giữa các nhiệm vụ quốc tế và hành động thực tế của Israel.

Xu hướng này không chỉ làm suy yếu uy tín của các tổ chức toàn cầu và làm giảm triển vọng giải quyết công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Thay vì thúc đẩy trách nhiệm giải trình, các diễn đàn này lại có nguy cơ trở thành cơ chế duy trì sự bất công.

Thoát khỏi tội ác sát hại 15.000 trẻ em

Những hoạt động quân sự của Israel đã đem lại hậu quả bi thảm cho dân thường. Kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra, Israel đã giết chết hơn 15.000 trẻ em Palestine cùng với vô số bà mẹ và gia đình. 

Việc sử dụng đạn dược tiên tiến, bao gồm cả tên lửa dẫn đường bằng laser trong cuộc xung đột, đã gây ra thương vong đáng kể cho dân thường, từ đó dấy lên mối quan ngại đạo đức về phương thức tiến hành chiến tranh.

Cuộc chiến tranh Gaza năm 2014 là minh chứng rõ ràng cho thảm kịch nhân đạo như vậy. Trong cuộc chiến này, LHQ đã ước tính rằng hơn 2.200 người Palestine thiệt mạng, mà phần lớn là người không tham chiến. 

Israel và sự định hình lại thế giới- Ảnh 3.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza tiếp tục ngày càng sâu sắc, làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về hòa bình bền vững và giải pháp cho cuộc xung đột lâu dài.

Những số liệu thống kê này không chỉ làm sáng tỏ tổn thất về mạng người của xung đột mà còn nêu bật nhu cầu cấp thiết về trách nhiệm giải trình và bảo vệ người dân vô tội trong các vùng chiến sự.

Thậm chí, phạm vi hoạt động quân sự của Israel còn mở rộng đến các phái bộ ngoại giao, điển hình như cuộc không kích vào lãnh sự quán Iran tại Damascus vào ngày 1/4, khiến 16 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính Iran đã chọn cách hạn chế cuộc đối đầu khi khởi xướng một cuộc trả đũa có tính toán. Hành động này được cho là có tác dụng răn đe và tránh leo thang chiến tranh trực tiếp với Israel.

Ngoài ra, nhà nước đang chiếm đóng này cũng đã ám sát Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas, ngay trong chuyến thăm chính thức tới Tehran của ông. Hành động này không chỉ vi phạm chủ quyền của Iran mà còn giáng một đòn nghiêm trọng vào phẩm giá của người dân Iran. 

Trớ trêu thay, vào thời điểm bị ám sát, ông Haniyeh đang tham gia đàm phán cho một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi tù nhân.

Sử dụng thiết bị điện tử để giết người

Việc tích hợp công nghệ vào các hoạt động quân sự cũng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đạo đức. Việc Israel sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) và chiến tranh điện tử đã gây ra hàng nghìn cái chết của thường dân, mà thường là họ không phải chịu trách nhiệm. 

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), đang bị lạm dụng một cách thái qua. Chúng cũng báo động về một tương lai mà bạo lực thậm chí còn có thể trở nên vô độ hơn.

Do không kiểm soát việc sử dụng AI và công nghệ hiện đại, một tiền lệ nguy hiểm trong chiến tranh đang được tạo ra, làm gia tăng việc giết chóc và đe dọa mạng sống con người theo quy mô và mức độ chưa từng thấy trước đây. Nếu các quốc gia khác cũng áp dụng cách tiếp cận của Israel trong các cuộc xung đột, cả một dân tộc có thể biến mất.

Tất cả những ai để Israel thoát khỏi trách nhiệm cho tội ác của họ đều được tính là đồng lõa với Tel Aviv, chưa kể đến những ai chọn tài trợ, trang bị vũ trang và bảo vệ nước này. Còn có cả những người ngồi yên giương mắt nhìn người dân Palestine bi sát hại. 

Sự thờ ơ này có nguy cơ đánh thức một làn sóng tội phạm cùng chí hướng, những kẻ sẵn sàng sử dụng AI và các công nghệ mới nhất mà không sợ bị trừng phạt. Ngày hôm nay, câu chuyện như thế mới chỉ diễn ra ở Palestine và Trung Đông. 

Thế nhưng ngày mai, bi kịch đó có thể được nhìn thấy ở mọi nơi.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG