"Kẻ thù" của giáo dục gia đình 20 năm trước là TV, 10 năm kế tiếp là trò chơi điện tử, còn hiện tại là gì?

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian "chất lượng" thực sự cho con.

* Dưới đây là những chia sẻ của một vị phụ huynh trên tờ Sohu (Trung Quốc):

Thời gian trước, tôi đến nhà của một người bạn chơi. Đến giờ ăn, con trai người bạn đang học lớp 2  vẫn không chịu ra ngoài và phòng của cậu bé thỉnh thoảng lại vang lên âm thanh nền của các đoạn video ngắn. Người bạn thấy vậy, chỉ biết cười trừ một cách ngượng ngùng và nói: "Không quản được nó nữa rồi, thôi chúng ta ăn trước đi."

Bà nội cũng coi chuyện cậu bé không ra ngoài ăn mà ở lì trong phòng xem điện thoại là bình thường. Người bà vừa lấy một cái bát nhỏ cho cháu ăn vừa giải thích với tôi: "Thằng bé ngoan lắm nhưng một khi đã chơi điện thoại, nó giống như là con người khác vậy. Không thích bị ai làm phiền, cũng không cho phép ai đó nói chuyện bên cạnh, lúc này nếu ai dám chạm vào điện thoại của nó, không chừng nó sẽ nổi khùng lên đấy".

Cuối cùng, bà nội của đứa trẻ thở dài và nói: "Một đứa trẻ ngoan như vậy, lại bị điện thoại làm mờ mắt. Thời đại của chúng ta, đã bao giờ gặp phải vấn đề như vậy chưa cơ chứ?".

Sau câu nói này của bà, tôi lại nhớ đến một câu nói trước đây tôi đã đọc trên mạng: "30 năm trước, mọi người lo nhạc pop sẽ hủy hoại thế hệ kế tiếp. 20 năm trước, mọi người lo TV sẽ hủy hoại thế tiếp theo. 10 năm trước, mọi người lo máy tính và trò chơi sẽ làm ảnh hưởng thế hệ sau. Còn bây giờ, mọi người bắt đầu hoảng sợ vì cho rằng điện thoại di động sẽ hủy hoại thế hệ con em của chúng ta".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận, trong thời đại ngày nay, cách nhanh nhất để hủy hoại một đứa trẻ, chính là đưa cho chúng một chiếc điện thoại di động. Cái giá phải trả của việc nghiện điện thoại lớn hơn nhiều so với những gì cha mẹ tưởng tượng. Phía sau những ứng dụng trò chơi trên điện thoại thường có một đội ngũ phát triển mạnh mẽ: Họ hiểu rõ tâm lý của người dùng, biết cách kích thích các giác quan, để con người không thể kiềm chế và rơi vào nghiện ngập. Người lớn còn khó cưỡng lại, huống chi là những đứa trẻ có tâm hồn chưa chín chắn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Trẻ em tiếp xúc với điện thoại lâu dài không chỉ làm hỏng khả năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng tư duy logic, sự tập trung, mà thậm chí còn gây ra tổn thương não bộ không thể đảo ngược.

Có một bức ảnh từ nghiên cứu về hành vi của trẻ em tại Seattle (Mỹ) từng gây xôn xao. Bức ảnh mô tả trạng thái não bộ của trẻ nghiện điện thoại và trẻ không nghiện điện thoại. Sự khác biệt giữa hai bên là vô cùng rõ rệt. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại được cho là có thể làm hủy hoại tế bào não, gây lão hóa và bệnh tật khắp cơ thể. Thậm chí, nó còn có nguy cơ gây ra suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề khác.

Bên trái là não của trẻ không dùng điện thoại, bên phải là não trẻ nghiện điện thoại
Bên trái là não của trẻ không dùng điện thoại, bên phải là não trẻ nghiện điện thoại

Không lâu trước đó, tại một bệnh viện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) một bác sĩ trực ban phát hiện một cô gái đang chăm sóc giường bệnh bỗng dưng ngất xỉu. Mặc dù cô gái đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, nhưng điều không ai ngờ tới nguyên nhân khiến cô gái ngất xỉu lại là vì chơi điện thoại liên tục 81 giờ không ngủ.

Hiện nay, vô số trẻ em đang trở thành "nô lệ" của điện thoại di động. Điện thoại, mặc dù mang lại cho họ cảm giác thỏa mãn ngắn hạn, nhưng lại ăn mòn não bộ và tư duy của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng. 

Trước đó, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu kéo dài. Họ đã theo dõi 100 trẻ em, trong đó 50 trẻ em thường xuyên chơi điện thoại và 50 trẻ em khác hiếm khi tiếp xúc với điện thoại. Thật không ngờ, 10 năm sau, sự thay đổi của những đứa trẻ khiến mọi người kinh ngạc: Trong số những đứa trẻ thường xuyên chơi điện thoại, chỉ có 2 người được vào đại học; trong khi tất cả những đứa trẻ không tiếp xúc với điện thoại đều vào đại học, thậm chí 16 người trong số đó còn nhận được học bổng toàn phần.

Một thời gian trước kia, tôi thường đến một cửa hàng tiện lợi mua bữa tối. Dần dần, tôi quen biết nhân viên cửa hàng, một cô gái 19 tuổi. Cô gái nói với tôi rằng, khi còn học trung học cơ sở cô từng có thành tích học tập rất tốt.

Cho đến năm lớp hai trung học phổ thông, một người thân tặng cho cô một chiếc điện thoại thông minh. Mục đích ban đầu là để cô tiện liên lạc với gia đình, nhưng cô lại nghiện một trò chơi không thể kiểm soát. Khi ở trường cô không tập trung, về nhà cũng không chịu làm bài tập, đến kỳ thi cũng lười ôn luyện. Cuối cùng, trong kỳ thi đại học, cô đã... trượt. Không còn cách nào khác, vì hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, cô đành phải đi làm công việc nặng nhọc.

Cô gái nói với tôi trong ân hận: "Đây là điều cháu mãi mãi không thể buông xuôi trong đời, chỉ cần nghĩ đến kỳ thi đại học là cháu lại cảm thấy rất buồn. Nhưng cháu có thể trách ai cơ chứ, tất cả đều do bản thân cháu, không thấy được cái hố sâu đau khổ nằm sau những lúc vui vẻ và buông thả".

Nỗi tiếc nuối lớn nhất trên đời, không phải là "tôi không thể", mà là "tôi đã có thể nhưng...". Vì vậy, cha mẹ chắc chắn phải hiểu: Mỗi ngày con cái sống trong mơ màng với đầy sự buông thả chính là bản nhạc mở đầu cho giấc mơ tan vỡ của chúng, là cầu trượt dẫn chúng đến một cuộc sống trượt dài trong khủng hoảng ở thì tương lai. Hôm nay bạn cho chúng sự tự do để chơi điện thoại, ngày mai chính điều đó sẽ trở thành nguồn gốc của nỗi đau và sự ân hận bên trong chúng. Chỉ có cha mẹ mới có thể trở thành bức tường ngăn cách giữa con cái và chiếc điện thoại nhỏ nhắn kia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cha mẹ nên làm gì để "cai nghiện" điện thoại cho con?

Tôi thường xuyên nghe những câu nói thế này: "Con tôi yêu thích chơi điện thoại, tôi đã đánh và mắng nhưng vẫn không có tác dụng", "Tôi không biết đã phá hỏng bao nhiêu cái điện thoại, nhưng con cái vẫn cứ như vậy, chỉ cần người lớn không ở bên cạnh, chúng lại bắt đầu mở điện thoại lên và chơi"...

Khi phát hiện con mình ham mê điện thoại, cha mẹ không chỉ nên ngăn chặn mà còn phải nhận ra rằng vấn đề sử dụng điện thoại phản ánh sự phụ thuộc về mặt tinh thần của trẻ vào nó. Nhiều giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon hạn chế thời gian con cái họ sử dụng các sản phẩm điện tử, chẳng hạn như cấm chúng sử dụng các sản phẩm điện tử vào các buổi tối trong tuần và thời gian chúng có thể sử dụng các sản phẩm điện tử vào cuối tuần cũng rất ít.

Cha mẹ có thể quy định thời gian cho trẻ sử dụng điện thoại di động. Ví dụ, mỗi lần trẻ chỉ được chơi 30 phút, nếu không lần sau sẽ không được chơi tiếp. Thông qua đó, trẻ sẽ tuân theo các quy tắc một cách từ từ. Phụ huynh phản đối một cách mù quáng chỉ có thể khiến trẻ ham muốn sâu hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong cuộc sống, không ít cha mẹ không thể từ bỏ điện thoại. Mỗi ngày sau khi tan làm về nhà, họ vẫn luôn dán mắt vào màn hình, miệng nói "yêu thương con cái" nhưng lại cho con cái một tình yêu qua loa. Cho đến một ngày, khi muốn con mình xa rời điện thoại, họ mới phát hiện ra rằng con của họ đã bị điện thoại "đầu độc".

Vậy nên ở phía mình, phụ huynh đóng vai trò là người giám sát, đồng hành và động viên trong quá trình trưởng thành của trẻ. Khi lớn lên trong bầu không khí gia đình mà các thành viên lúc nào cũng chăm chăm nhìn điện thoại, con tự nhiên không thể phát triển thói quen đọc và yêu thích học tập. Vì vậy, thay vì yêu cầu trẻ không được chơi điện thoại di động, tốt hơn hết cha mẹ hãy để việc đọc sách thay thế điện thoại di động sau khi về nhà, cùng con học bài và hình thành những thói quen tốt.

Trẻ em đã có khả năng bắt chước từ khi còn nhỏ, do đó cha mẹ nên kiềm chế bản thân và dành nhiều thời gian hơn cho con, đừng đợi đến khi con lớn lên mới nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ từng khoảnh khắc tuyệt vời trong quá trình trưởng thành của mình.

Đông

Con gái nhận xét 1 câu về vợ mới của bố, bà mẹ ở TP.HCM có hành động thu hút tranh luận: Dạy con thế nào mới hợp lý?

Con gái nhận xét 1 câu về vợ mới của bố, bà mẹ ở TP.HCM có hành động thu hút tranh luận: Dạy con thế nào mới hợp lý?

Câu chuyện của một bà mẹ đơn thân, có hai con gái 14, 15 tuổi chia sẻ trên một diễn đàn mới đây thu hút sự chú ý.