Từ nhiều năm qua, các cở sở chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của Nhà nước cũng như của các tổ chức xã hội, tư nhân đều chú trọng trang bị cho thầy, cô giáo kiến thức chuyên biệt bậc Cao Đẳng, Đại học, đạt chuẩn theo quy định giáo dục trẻ khuyết tật. Đồng thời, hoạt động tập huấn “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (DISTINCT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cũng diễn ra nhiều hơn tại các thành phố trung tâm trên cả nước.
Lớp Tập huấn do Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức đã mang lại nhiều kiến thức thiết thực cho hàng trăm học viên tham dự |
Đặc biệt, các lớp tập huấn dành cho cha, mẹ, người chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật đã trở thành một nhu cầu cần thiết, tất yếu, để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ khuyết tật. Vì vậy, từ đầu tháng 02/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tấn Minh, nguyên Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Khánh Hòa- nay là Chủ tịch Hội Bảo trợ Người Khuyết tật, Bệnh nhân nghèo và Quyền trẻ em tỉnh Khánh Hoà, đóng vai trò điều phối, tổ chức các chương trình này góp phần chăm sóc trẻ khuyết tật tốt hơn cho giáo viên các cơ sở khuyết tật, phụ huynh có con em khuyết tật.
Hàng trăm học viên tham dự và tập trung tiếp thu kiến thức |
Trong năm 2024, Hội bảo trợ Người Khuyết tật, Bệnh nhân nghèo và Quyền trẻ em tỉnh Khánh Hòa đã kết hợp với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh (LHPN), Trung tâm Phục hồi chức năng- Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật cho trên 300 người tham dự, là những cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp cơ sở, tuyên truyền viên, chi hội trưởng, cha mẹ của trẻ khuyết tật hoặc người thân đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật trên địa bàn TP. Nha Trang và các huyện lân cận tỉnh Khánh Hòa.
thầy Cáp Xuân Lâm- Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật Khánh Hòa đã trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng hiểu và quản lý hành vi trẻ rối loạn phát triển. |
Mỗi lớp tập huấn mang một chủ đề khác nhau như: “Thay đổi nhận thức để đồng hành, chăm sóc trẻ khuyết tật”; “Nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật”, “Nâng cao nhận thức về cách chăm sóc toàn diện cho trẻ khuyết tật”,... Song, tất cả đều hướng đến mục đích chung: Trang bị kiến thức, kỹ năng cho người chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật; hỗ trợ, động viên cha, mẹ của trẻ khuyết tật nâng cao nhận thức, đón nhận và đồng hành, cùng con đối mặt tháo gỡ những rào cản trong giao tiếp với người xung quanh, với cộng đồng; bảo vệ con và giúp con tự bảo vệ trước sự phân biệt đối xử, hỗ trợ con hòa nhập cộng đồng... Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi với người khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. Đồng thời, cung cấp thông tin các quy định về thực hiện các quyền lợi của người khuyết tật; nghĩa vụ, trách nhiệm của người nuôi dưỡng, chăm sóc, nhận nuôi người khuyết tật; các dịch vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Lớp tập huấn do Trung tâm Phục hồi chức năng và Chăm sóc trẻ khuyết tật Khánh Hòa tổ chức |
Báo cáo viên được mời đến các lớp tập huấn là những chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa, thầy, những thầy, cô giáo được đào tạo căn bản, có thâm niên trong môi trường chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Nội dung tại các buổi tập huấn được chuyển tải qua nhiều phương pháp như: truyền đạt kiến thức, thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm, kể chuyện về con với các tình huống cụ thể, hỏi đáp,... Thông qua đó, các học viên tham dự có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức và áp dụng thực tế hiệu quả hơn. Hoạt động tương tác, giao lưu giữa báo cáo viên và học viên qua hỏi đáp, qua xử lý tình huống thực tế, không chỉ là thời gian, không gian dễ chịu nhất để cha mẹ bộc bạch, trải lòng về những nỗi niềm trăn trở trong quá trình chăm con trẻ khuyết tật, mà cũng là phương cách mà chính những báo cáo viên cũng được đón nhận thêm những kinh nghiệm thực tế từ phụ huynh,...
Bác Sĩ Trần Lan Anh- Trưởng Khoa Nhi- Bệnh viện YERSIN NHA TRANG đã mang đến cho học viên nhiều kiến thức bổ ích về nhận diện hành vi ngôn ngữ của con trẻ khuyết tật |
Cô Phan Thị Ngọc Sinh- PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục Trẻ khuyết tật Khánh Hòa chia sẻ : "Với vai trò người chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, chúng tôi rất thấu hiểu nỗi lòng người làm cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đồng hành, chia sẻ cùng cha mẹ trẻ khuyết tật; đồng thời, tha thiết mong cha mẹ có con khuyết tật, chúng ta hãy đón nhận con và mở lòng về bệnh trạng của con với mọi người xung quanh. Vì thực tế, nhiều cha mẹ đã giấu con, sợ mọi người xung quanh biết mình có con khuyết tật... Qua đó, chúng ta và con đều có thêm cơ hội hòa nhập, có thêm nhiều điều tốt đẹp, nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống..."
Kết thúc chương trình thuyết giảng, cô Phan Ngọc Sinh nhấn mạnh- Cha mẹ thay đổi, con thay đổi |
Với vai trò báo báo viên tại các lớp tập huấn, thầy Cáp Xuân Lâm- Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật Khánh Hòa: đã trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng hiểu và quản lý hành vi trẻ rối loạn phát triển. Cụ thể, chúng ta cần hiểu hành vi, hiểu ngọn ngành hành vi, hành vi là một hình thức, là ngôn ngữ giao tiếp của con trẻ khuyết tật,... cách chúng ta cần can thiệp vào những hành vi thách thức của trẻ như tự hại mình, gây hấn, phá hoại đồ đạc, la hét, chống đối,...
Các buổi dã ngoại hòa nhập cộng đồng của Cơ sở Chăm sóc- Giáo dục Trẻ khuyết tật Sao Mai |
Tại lớp Tập huấn do Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa tổ chức (10/12), bạn Bùi Thị Ngọc Hạnh- Một phụ huynh của Cơ sở Chăm sóc- Giáo dục Trẻ khuyết tật Sao Mai tâm sự: Bữa đó là ngày đầu em dự tập huấn, sau chuỗi ngày dài mong đợi được tham dự những lớp như thế này. Với em, buổi học rất có ý nghĩa và giá trị. Các thầy cô, bác sĩ nói hay, tận tâm. Em đã học hỏi được nhiều điều hay, bổ ích giúp em có thêm kiến thức, động lực chăm sóc, dỗ dành con khuyết tật của mình. Em hy vọng có thêm nhiều buổi học như vậy để em có thêm kiến thức nuôi dạy con. Em thấy họ cũng có lời an ủi những bà mẹ không may có con khiếm khuyết như em, làm em cảm thấy vững tin thêm xíu trên con đường nuôi dạy cháu ạ...
Hàng trăm học viên chăm chú tiếp thu kiến thức chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật |
“Nguyên lý ánh sáng” trong nội dung truyền đạt tại 2 buổi tập huấn (ngày 10 và 11/12) do Hội LHPN tỉnh tổ chức là một trong những nội dung mong đợi của cha mẹ trẻ khuyết tật. Nó giúp phụ huynh thay đổi nhận thức về hình ảnh tâm trí về con theo chiều hướng ánh sáng (tích cực) để có thể nuôi dạy con một cách nhẹ nhàng. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ khuyết tật sẽ nhìn nhận rõ hơn vai trò quan trọng của mình trong việc đồng hành cùng con, quản lý được hành vi trẻ rối loạn phát triển. Đó là cách giúp cha, mẹ bình tĩnh nhận diện, hiểu về ngôn ngữ của con qua các biểu hiện cảm xúc, hành vi, để có kỹ năng giảm thiểu hành vi của con, tập luyện con thay đổi hành vi, cung cấp những giải pháp lâu dài, nâng cao lòng tự trọng cho con, duy trì mối quan hệ và hiểu con,... Nhiều giả định được đưa ra để nhắc nhỡ cha mẹ có con khuyết tật như: chúng ta cần xem xét các yếu tố môi trường (có cần thay đổi), con thiếu kỹ năng nào, cha mẹ cần củng cố hành vi tích cực nào của con, sự liên hệ giữa hành vi và phần thưởng dành cho con, cần can thiệp sớm, tiền tiểu học, mầm non cho con có cơ hội hòa nhập, có kỹ năng sống,...
Bạn Trương Thị Tâm, một phụ huynh trẻ khuyết tật bộc bạch: Em rất cảm ơn kiến thức lý thuyết phương pháp, chiến lược hỗ trợ trẻ các hoạt động sinh hoạt tại nhà cho người chăm sóc trẻ khuyết tật. Nhưng theo em, cái tâm và tình yêu thương chân thật dành cho các con trẻ khuyết tật cũng hết sức cần thiết, không chỉ với trẻ khuyết tật, mà cả với người làm cha mẹ. 11 năm trước em đi kiếm trường cho con học, em rất tủi thân, nản chí trước thái độ hời hợt, lời nói vô tình của một số giáo viên. May mắn mẹ con em được gặp mấy Soeur ở trường Sao Mai rất niềm nở, cho em sự ấm áp, sẻ chia, cách nói chuyện của các Soeur rất tuyệt vời, con em cũng vui vẻ, tiến bộ rất nhiều,... Vì vậy, em thiết nghĩ, các thầy cô, anh chị làm công tác dạy dỗ trẻ khuyết tật, mà không có lòng nhân ái, bao dung và thấu hiểu, thì không thể mang lại hạnh phúc đích thực cho trẻ khuyết tật.
Các con trẻ khuyêt tật hạnh phúc trong tình yêu thương và thấu hiểu.... |
Bạn Trần Thị Yên- một phụ huynh của Cơ sở Chăm sóc- Giáo dục Trẻ Khuyết tật Sao Mai chia sẻ: Với em, các lớp tập huấn cho cha, mẹ trẻ khuyết tật là rất cần thiết, bổ ích. Từ khi có con khuyết tật, em đã được tham gia nhiều lớp và mỗi báo cáo viên đều có một nội dung rất thiết thực cho em. Vì vậy, nhận thông báo của Trường là em đăng ký ngay. Nhờ vậy, mà tâm lý của em ổn hơn, hiểu được ngôn ngữ của con và bình tĩnh xử lý can thiệp mỗi khi con lên cơn ...
Hầu hết các học viên tham dự các lớp tập huấn này đều rất chú tâm tiếp thu và hào hứng trong phần hỏi đáp. Đặc biệt với cha, mẹ của trẻ khuyết tật, sự quan tâm, khao khát tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kỹ năng để áp dụng chăm sóc, dạy dỗ con càng thể hiện rõ hơn. Khi các bậc cha, mẹ, người chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nhận thức đúng về giới, bạo lực giới, nhận diện các dạng bạo lực trên cơ sở giới, hiểu được hậu quả của bạo lực giới và cách phòng tránh bạo lực trên cơ sở giới và phòng chống xâm hại trẻ khuyết tật, thì sự an toàn của con trẻ khuyết tật càng được bảo đảm ở mức cao nhất.
Nâng cao quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em: Điểm sáng trong các luật mới có hiệu lực từ năm 2025
Những chính sách mới cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với phụ nữ và trẻ em