Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), năm 2025 sẽ diễn ra rất nhiều hiện tượng thiên văn học thú vị đáng để chiêm ngưỡng.
Ngày 3/1, mưa sao băng Quadrantids đạt cực điểm
Sự kiện đầu tiên trong năm 2025 là mưa sao băng Quadrantids, diễn ra từ ngày 26/12 đến ngày 16/1, với cực điểm vào lúc 23 giờ ngày 3/1. Đây là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng khoảng 60 đến 200 vệt sao băng mỗi giờ, đặc biệt là vào rạng sáng ngày 3/1. Mặc dù được coi là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids vẫn không được đánh giá cao do thời gian cực đại ngắn, chỉ kéo dài trong vài giờ. Năm nay, Trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ lặn đi vào đầu buổi tối và gần như không ảnh hưởng gì tới buổi quan sát của bạn.
Ngày 10/1, Sao Kim đạt ly giác cực đại về phía Đông
Sao Kim sẽ nằm xa Mặt Trời nhất trong lần xuất hiện trên bầu trời buổi tối này vào lúc 15 giờ 31 phút ngày 10/1. Hành tinh này sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là – 4,4 và có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường ở hướng Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.
Do là một hành tinh vòng trong, khi quan sát từ Trái Đất, Sao Kim luôn xuất hiện gần Mặt Trời trên bầu trời và bị nhấn chìm trong ánh sáng chói chang từ ngôi sao này trong phần lớn thời gian. Chúng ta có thể quan sát hành tinh này rõ ràng nhất vào xung quanh thời điểm được gọi là ly giác cực đại. Lúc đó, Sao kim sẽ xuất hiện sáng và nổi bật đến mức khiến nó trở thành vật thể sáng thứ hai trên bầu trời đêm chỉ sau Mặt Trăng. Những lần xuất hiện này lặp lại khoảng 1,6 năm một lần.
Ngày 16/1 – Sao Hỏa đạt vị trí trực đối
Thống kê vị trí của Sao Hỏa từ cuối tháng 04 đến tháng 11 năm 2018 cho thấy chuyển động nghịch hành của hành tinh này (Ảnh: Tunc Tezel) |
Sao Hỏa sẽ đạt đến vị trí trực đối, vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất, vào lúc 09 giờ 32 phút sáng ngày 16/1. Do vậy, thời điểm quan sát hành tinh này tốt nhất sẽ là vào tối ngày 15 và rạng sáng ngày 16/1.
Sao Hỏa sẽ xuất hiện ở cao khoảng 7° phía trên đường chân trời hướng Đông Bắc ngay sau khi Mặt Trời lặn, lên cao nhất trên bầu trời vào lúc nửa đêm và vẫn còn ở cao khoảng 10° ở hướng Tây Bắc khi bình minh đến. Trong đêm, Sao Hỏa là một đĩa sáng màu đỏ cam đặc trưng có đường kính 14,5'', tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là – 1,4 trong khu vực của chòm sao Gemini.
Ngày 6/5 – Mưa sao băng Eta – Aquariids đạt cực điểm
Tâm điểm của mưa sao băng Eta – Aquariids trong chòm sao Aquarius sẽ mọc lên bầu trời từ sau nửa đêm (Ảnh: Sky & Telescope) |
Eta – Aquariids là trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 15/4 đến ngày 27/5 với cực đại năm nay dự kiến rơi vào lúc 10 giờ ngày 6/5. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là vào rạng sáng ngày 6/5. Chúng ta có thể nhìn thấy khoảng 30 vệt sao băng xuất hiện mỗi giờ vào lúc cực điểm.
Eta – Aquariids nổi tiếng với các vệt sao băng di chuyển rất nhanh (khoảng 66 km/s) và để lại các vệt ion hóa phát sáng kéo dài sau đó vài giây đến vài phút. Mặt Trăng trong chòm sao Leo sẽ lặn đi sau 2 giờ sáng và không gây ảnh hưởng gì đến buổi quan sát của bạn.
Ngày 1/6 – Sao Kim đạt ly giác cực đại về phía Tây
Sau khi tạm rời khỏi màn trình diễn trên bầu trời buổi tối, Nữ thần Sắc đẹp của bầu trời đêm nhanh chóng trở lại tỏa sáng trên bầu trời sáng sớm ngay trước khi Mặt Trời mọc. Và vào ngày 1/6 sắp tới, hành tinh này sẽ đạt đến vị trí ly giác cực đại Tây trong lần xuất hiện này. Sao Kim sẽ là một chấm sáng rực rỡ thu hút mọi ánh sáng với đường kính góc là 23,9'' và độ sáng biểu kiến – 4,3 trong khu vực của chòm sao Pisces. Nó sẽ mọc lên bầu trời vào lúc 2 giờ rưỡi sáng và cao khoảng 36° so với đường chân trời hướng Đông khi Mặt Trời mọc.
Ngày 30/7 – Mưa sao băng Southern Delta – Aquariids đạt cực điểm
Southern Delta – Aquariids là trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 12/7 đến ngày 23/8 với cực đại năm nay dự kiến rơi vào lúc 13 giờ ngày 30/7. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là vào tối ngày 29 và 30/7. Trăng lưỡi liềm đầu tháng trong chòm sao Virgo sẽ đôi phần ảnh hưởng đến giai đoạn đầu của buổi quan sát, vì vậy, bạn có thể bắt đầu quan sát khi vệ tinh này đã lặn đi xuống phía dưới đường chân trời.
Ngày 12/8 – Sao Kim và Sao Mộc giao hội với nhau
Sao Kim và Sao Mộc sẽ gặp gỡ nhau trên bầu trời sáng ngày 12 tháng 08 năm 2025 (Ảnh: Lifehacker) |
Hai hành tinh sáng nhất trên bầu trời đêm đã bắt đầu tiến đến gần nhau từ những ngày trước đó. Và vào buổi sáng ngày 12 tháng 08, chúng sẽ xuất hiện chỉ cách nhau 51,6' (chưa đến một độ) đánh dấu thời điểm tiếp cận gần nhất giữa cả hai trong năm nay. Cặp đôi này sẽ mọc lên từ chân trời hướng Đông vào lúc 2 giờ 53 phút và ở cao khoảng 31° so với đường chân trời khi Mặt Trời mọc. Trong đêm, Sao Kim sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là – 4,0, trong khi độ sáng biểu kiến của Sao Mộc là – 1,9. Cả hai sẽ xuất hiện trong khu vực của chòm sao Gemini và là một cảnh tượng nổi bật dành cho những ai dậy sớm vào ngày hôm nay.
Ngày 13/8 – Mưa sao băng Perseids đạt cực điểm
Mưa sao băng Perseids diễn ra hàng năm từ ngày 14/7 đến ngày 1/9 với cực đại năm nay dự kiến rơi vào lúc 3 giờ sáng ngày 13/8. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là rạng sáng ngày 13/8. Tuy nhiên, để có thể bắt gặp nhiều sao băng hơn, bạn có thể bắt đầu quan sát từ vài hôm trước cực điểm (khoảng ngày 9 hoặc 10/8). Perseids được mệnh danh là một trong những trận mưa sao băng đẹp và ấn tượng nhất năm với tần suất vào lúc cực điểm lên tới 100 đến 120 vệt sao băng mỗi giờ.
Chúng xảy ra vào những đêm cuối hè mát trời dễ chịu, cho phép người quan sát thoải mái chiêm ngưỡng. Perseids cũng nổi tiếng bởi sự xuất hiện của các fireball đầy ấn tượng. Chúng thường được nhìn thấy nhiều vào giai đoạn nửa đêm khi tâm điểm bắt đầu mọc lên ở phía trên đường chân trời hướng Đông Bắc.
Ngày 7 – 8/9 – Nguyệt thực toàn phần
Mặt Trăng sẽ đi qua vùng bóng tối của Trái Đất vào tối ngày 7, rạng sáng ngày 8/9 tạo ra nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được tại khu vực rộng lớn của Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Đại Dương, trong đó có Việt Nam.
Không giống như nhật thực, nguyệt thực có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường mà không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào đi kèm. Một chiếc ống nhòm có thể giúp bạn có góc nhìn tuyệt vời hơn về bề mặt của vệ tinh này trong thời gian diễn ra nguyệt thực. Trong thời gian nguyệt thực toàn phần, bề mặt của Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu nâu đỏ đầy ngoạn mục nhưng cũng vô cùng huyền bí. Đây cũng là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất trong năm nay tại Việt Nam.
Ngày 21/9 – Sao Thổ đạt vị trí trực đối
Sao Thổ sẽ đạt vị trí trực đối – vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất, vào lúc 12 giờ 37 phút ngày 21/9. Từ Hà Nội, Sao Thổ sẽ có thể được bắt đầu quan sát từ 18 giờ 43 phút khi hành tinh này đang nằm cao khoảng cao 11° so với đường chân trời phía Đông. Nó sẽ đạt đến vị trí cao nhất trên bầu trời vào lúc 23 giờ 50 phút, cao 65° so với đường chân trời phía Nam và lặn đi ở phía Tây vào lúc 5 giờ 48 phút sáng ngày hôm sau. Trong đêm, Sao Thổ sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 0,6 trong khu vực của chòm sao hoàng đạo Pisces.
Ngày 14/12 – Mưa sao băng Geminids đạt cực điểm
Mưa sao băng Geminids có thể quan sát từ ngày 19/11 đến ngày 24/11 hàng năm và năm nay sẽ đạt cực điểm vào lúc 15 giờ sáng ngày 14/12. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là vào đêm 13 và 14/12. Trăng lưỡi liềm cuối tháng xuất hiện trễ (từ sau 02 giờ sáng) sẽ ảnh hưởng đôi chút tới buổi quan sát của bạn. Tuy nhiên, trước đó, một bầu trời tối lý tưởng sẽ đem đến màn trình diễn ấn tượng và trọn vẹn nhất của Geminids.
Đằng sau những bức hình không gian lộng lẫy từ kính viễn vọng James Webb
Với những bức ảnh lộng lẫy về vũ trụ, kính viễn vọng James Webb đã vén lên bức màn bao phủ không gian từ trước tới nay.