Khoa học hay chính trị sẽ kết thúc đại dịch COVID-19 ở châu Á – Thái Bình Dương?

Việc các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương nhanh chóng ra quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn biến thể Omicron đã đặt ra một câu hỏi nhức nhối, đó là, điều gì sẽ xảy ra nếu đại dịch không kết thúc và việc phong tỏa biên giới tiếp tục kéo dài ra?

Tỷ lệ tử vong thấp, các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương vẫn “mạnh tay” với biến thể Omicron

Đa số các nhà khoa học đều thống nhất rằng, coronovirus sẽ tiếp tục đột biến với các biến thể mới xuất hiện định kỳ trong thời gian sắp tới và sẽ không bao giời kết thúc.

Một số quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thay vì tăng cường phủ vaccine ở mức độ cao lại chọn phương án cách ly, phong tỏa và việc này sẽ chẳng bao giờ kết thúc chu kỳ phát triển của virus và sẽ tạo ra thiệt hại về kinh tế, du lịch lẫn đời sống hàng ngày của người dân.

dc133b65427d48e89fb2126b577d84a1.jpg
Du lịch, hàng không ở Châu Á - Thái Bình Dương đã  giảm hơn 90% so với trước đại dịch.

Cách tốt nhất, theo các chuyên gia, là các chính phủ các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên thay đổi suy nghĩ và học cách sống chung với COVID-19.

Một loạt các chuyên gia về virus học, dịch tễ học, đạo đức y tế và kinh tế đã nói rằng, đại dịch còn lâu mới có thể kết thúc.

Ian Mackay, một nhà virus học tại Đại học Queensland cho biết: “Thay vì sống như một xác chết biết đi và phó mặc cho những gì sắp xảy ra, chúng ta nên dừng lại và xem như là đây là thời điểm kết thúc đại dịch”.

“Hiện tại, chúng ta có một số lượng lớn dân số được tiêm phòng khá tốt. Do đó, những nơi đó, đặc biệt là những nơi được tiêm phòng đầy đủ, vẫn an toàn và chúng ta nên tiếp tục cuộc sống bình thường”, Mackay nói thêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, các chính phủ không nên đóng cửa biên giới sau khi các biến thể mới xuất hiện trừ khi các biến thể này thực sự tồi tệ hơn các biến thể trước đó. Tuy nhiên, cần phải xem xét hồ sơ khoa học của những biến thể đó trước khi đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, ông Mackay cũng cho rằng, việc mở rộng tiêm chủng cho các khu vực nghèo hơn trên thế giới vẫn là điều cần thiết.

Các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cấm du khách đến từ miền Nam châu Phi, sau khi Nam Phi công bố phát hiện ra biến thể Omicron.

Tuần trước, Nhật Bản đã cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này trừ khi được Thủ tướng Fumio Kishida phê duyệt, trong khi Úc thông báo tạm dừng kế hoạch mở lại biên giới cho những người di cư có tay nghề cao và sinh viên quốc tế.

Hồng Kông, nơi có chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt đã làm thất vọng các doanh nghiệp và người nước ngoài khi ra lệnh cấm nhập cảnh đối đến từ hơn 30 quốc gia và yêu cầu cách ly tại khách sạn 21 ngày đối với những cư dân trở về từ nước ngoài. Trung Quốc đại lục đã áp dụng việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất và các hạn chế đi lại trong nước trong suốt đại dịch, chỉ công dân và người có giấy phép cư trú mới được phép nhập cảnh.

Malaysia và Singapore đã trì hoãn việc áp dụng một số tuyến bay không có kiểm dịch, trong khi Hàn Quốc đã áp dụng lại quy định cách ly 10 ngày cho tất cả khách du lịch đến.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngay cả trước biến thể Omicron xuất hiện, khu vực châu Á-Thái Bình Dương hầu như không có hoạt động du lịch, lưu lượng hàng không giảm gần 93% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2019, nhiều hơn rất nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi Omicron là “biến thể đáng lo ngại” nhưng cũng đã chỉ trích các lệnh cấm đi lại là “gánh nặng về cuộc sống và sinh kế” của người dân.

Các quan chức y tế nhấn mạnh rằng, có quá ít thông tin về biến thể Omicron để đưa ra kết luận chắc chắn về khả năng lây truyền, độc lực hoặc khả năng kháng vaccine của nó. Các dữ liệu ban đầu cho thấy hầu hết các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều diễn biến nhẹ.

Khoa học hay chính trị sẽ kết thúc đại dịch?

Roberto Bruzzone, đồng Giám đốc Viện HKU-Pasteur Research Pole tại Hồng Kông, nói rằng phản ứng với biến thể Omicron là không có căn cứ dựa trên dữ liệu có sẵn.

Bruzzone nói: “Tôi đã tranh cãi về sự thay đổi quan điểm trong một thời gian dài và nói rằng chúng ta cần học cách chung sống với các loại virus mới”.

Bruzzone cho biết, ông hy vọng khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ không chìm vào một tương lai ít cởi mở, tự do và liên kết với nhau.

2021-05-24t095450z_1035367711_rc.jpg
Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ trích các lệnh cấm đi lại. 

“Sẽ rất hữu ích nếu EU và Hoa Kỳ, Anh và châu Mỹ cố gắng hướng cuộc tranh luận ra khỏi cái gọi là cách tiếp cận với châu Á không có COVID -19, đóng cửa biên giới với người châu Á, cách ly người châu Á bởi virus sẽ tái xuất hiện bất cứ khi nào và thậm chí bây giờ, Omicron ở khắp mọi nơi”, ông nói.

Trong khi đó, Catherine Bennett, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne (Úc) thì cho biết, sự chia rẽ trong dư luận và các tính toán chính trị đã tạo ra một “chu kỳ không bao giờ kết thúc” thay vì hướng tới một cuộc sống an toàn trong thời gian tới.

Alberto Giubilini, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đạo đức Thực hành Oxford Uehiro, thì cho rằng, xã hội phải đưa ra lựa chọn để vượt ra khỏi tình trạng “khẩn cấp liên tục” và đây là một hiện tượng văn hóa và xã hội hơn là một thực tế khoa học.

Giubilini nói: “Một đại dịch kết thúc khi virus có thể kiểm soát được và chúng ta học cách sống chung với nó. Nhưng, điều đó phụ thuộc nhiều vào cách chúng ta hành động hơn là vào bản thân virus. Chúng ta tiếp tục đối xử với một số thứ như thể chúng là một vấn đề khoa học trong khi chúng không phải là vấn đề khoa học. Kết thúc đại dịch là một quá trình thương lượng chính trị và cuối cùng là một vấn đề đạo đức. Đại dịch kết thúc khi chúng ta thay đổi cách tiếp cận với một loại virus có khả năng ở lại với chúng ta mãi mãi ”.

Cũng theo ông Giubilini, xã hội không bao giờ rời khỏi "chế độ khẩn cấp" mà chúng ta đã bắt đầu thực hiện khi các quốc gia bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa từ tháng 3/2020.

MacKay, nhà virus học của Đại học Queensland, cho biết bản chất đại dịch là chính trị và việc trở lại cuộc sống như bình thường sẽ là một câu hỏi mà mỗi quốc gia có tiếp cận khác nhau.

“Bạn không thể phân biệt khoa học và chính trị và nói rằng câu hỏi này là thứ này và câu hỏi này là thứ kia. Đó là chính trị và khoa học. Đó là một sự kết hợp và đó là một mớ bòng bong vì chúng liên quan đến dân số trên toàn hành tinh và nếu bạn có nhiều hơn ba người trong một phòng, bạn sẽ có chính trị", ông kết luận.

NGUYỄN MINH