Khoảng 35% doanh nghiệp toàn cầu có thể phá sản do dịch COVID-19

Euler Hermes cho biết đây sẽ là một kỷ lục về chỉ số mất khả năng thanh toán toàn cầu - và khoảng 50% số quốc gia trên thế giới sẽ phải thiết lập các mức cao mới kể từ khủng hoảng tài chính 2009.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang hết sức nỗ lực để cứu các công ty bị tổn hại nghiêm trọng trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thế nhưng thế giới vẫn sẽ có khoảng 35% số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Thông tin trên là kết quả một nghiên cứu mới do công ty bảo hiểm thương mại của Mỹ Euler Hermes công bố ngày 20/7.

JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN.
JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN.

Báo cáo của Euler Hermes nhấn mạnh rằng "COVID-19 đang tạo ra 'một quả bom hẹn giờ' về mất khả năng thanh toán."

Euler Hermes dự đoán tỷ lệ các công ty phá sản sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021.

Công ty cung cấp bảo hiểm cho các giao dịch thương mại này nhấn mạnh đây sẽ là một kỷ lục về chỉ số mất khả năng thanh toán toàn cầu - và khoảng 50% số quốc gia trên toàn thế giới sẽ phải thiết lập các mức cao mới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Trong số các cường quốc kinh tế của thế giới, Mỹ sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 57% vào năm 2021 so tỷ lệ này ở năm 2019 - trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các vụ phá sản cũng dự kiến sẽ tăng 45% ở Brazil, 43% ở Anh và 41% ở Tây Ban Nha, trong khi ở Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, số doanh nghiệp phá sản được dự báo sẽ tăng 20%.

Nhiều tập đoàn bán lẻ hơn tuổi của Mỹ rơi vào phá sản

Tại Mỹ,  hôm 15/5 JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông báo, chuỗi bán lẻ CPenney đã làm thủ tục tự nguyện theo Chương 11 của Luật phá sản tại một tòa án phá sản ở Mỹ sau khi không thể trả lãi đối với các khoản vay đáo hạn hồi tháng 4 vừa qua.

Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, CPenney sẽ buộc phải đóng cửa một số cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Hãng có 500 triệu USD tiền mặt và đã nhận cam kết tài chính trị giá 900 triệu USD từ các chủ nợ.

Được thành lập năm 1902, JCPenney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, hãng bán lẻ này làm ăn không có lãi. Doanh thu của hãng trong năm 2019 đạt 10,7 tỷ USD, giảm hơn 7 tỷ USD so với thời điểm 10 năm trước.

Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 đã "đánh sập" hầu hết các doanh nghiệp không cung cấp các mặt hàng thiết yếu như tạp phẩm và thuốc men, buộc nhiều chuỗi bán lẻ ở Mỹ phải đóng cửa phần lớn các cửa hàng và hoạt động cầm chừng. Trước đó, hai tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ là Neiman March và J. Crew cũng đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Các chuyên gia tại hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cho rằng việc đóng cửa kinh tế và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây ra biến động lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Lý do là "ngành này sẽ buộc phải giảm quy mô một cách có chủ đích và nhanh chóng phát triển hướng đến người tiêu dùng sau đại dịch".

  Brooks Brothers, thương hiệu thời trang lâu đời nhất của Mỹ với 202 năm tuổi chính thức đệ đơn phá sản.

Brooks Brothers, thương hiệu thời trang lâu đời nhất của Mỹ với 202 năm tuổi chính thức đệ đơn phá sản.

Không chỉ có JCPenney, hãng thời trang nam nổi tiếng với hơn 200 năm tuổi ở Mỹ Brooks Brothers hôm 8/7 cũng đã đệ đơn phá sản tại một tòa án ở Wilmington, bang Delaware. Trong đơn, hãng đề nghị được hỗ trợ 75 triệu USD để tiếp tục duy trì hoạt động.

Nhà bán lẻ, được thành lập vào năm 1818, tự hào vì đã có tới 40 đời tổng thống Mỹ và rất nhiều chủ ngân hàng thường xuyên sử dụng “đồ” của Brooks Brothers. Bản thân cựu Tổng thống Barack Obama và đương kim Tổng thống Donald Trump cũng là những “tín đồ” của thương hiệu thời trang lâu đời này.

Đại dịch COVID-19 khiến cho chi phí thuê mặt bằng trở thành gánh nặng của Brooks Brothers, trong khi doanh số bán hàng vốn đã sụt giảm từ 2019 rở nên tồi tệ hơn.

"Trong năm qua, ban lãnh đạo cùng đội ngũ cố vấn về tài chính, pháp lý đã đánh giá nhiều chiến lược khác nhau để định vị sự thành công trong tương lai của công ty, bao gồm cả phương án 'bán mình' cho đối tác tiềm năng.

Trong quá trình đánh giá chiến lược này, COVID-19 xuất hiện và gây tổn hại lớn cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi", đại diện của Brooks Brothers chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp, bao gồm Authentic Brands thể hiện sự quan tâm với việc mua lại Brooks Brothers, tuy nhiên đa phần họ muốn mua lại thương hiệu này với ít cửa hàng hơn. theo CNBC.

(Nguồn TTXVN/CNBC)

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương