Không phải quốc gia nào khác ở Đông Nam Á, Campuchia mới là nước tiên phong dùng ‘tiền điện tử’

Ngân hàng trung ương Campuchia đang thử nghiệm một hệ thống chuyển tiền giá rẻ dành cho công dân nước mình có nhu cầu chuyển tiền về cho gia đình, hệ thống này có tên gọi là Bakong - một dịch vụ chuyển tiền ngang hàng - thường được gọi là “tiền điện tử” của nước này.

Mặc dù mọi người dân vẫn hay gọi là “tiền điện tử”, song, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Campuchia, ông Chea Serey thì phủ nhận và cho rằng nó cũng không phải là “tiền điện tử”.

Cụ thể, Bakong là một hệ thống mã thông báo cho phép người dùng chuyển tiền giữa các ngân hàng và dịch vụ tài chính một cách dễ dàng với phí giao dịch rẻ hơn.

cambodia-migrant-workers-aranyaprathet-2014.jpg
Hiện có khoảng 1 triệu lao động người Campuchia đang làm việc tại Thái Lan.

Theo Nikkei Asia đã có hơn 1,4 triệu giao dịch thông qua Bakong được ghi nhận trong nửa đầu năm 2021 với tổng trị giá vào khoảng 500 triệu USD.

Bakong là một dạng fintech và nó có thể là yếu tố làm thay đổi trong lĩnh vực tài chính đối với nhiều người Campuchia vì nó có khả năng cắt giảm đáng kể chi phí giao dịch chuyển tiền.

Kể từ tháng 8 năm nay, Bakong còn có thể thực hiện thanh toán từ Ngân hàng Maybank của Malaysia, điều này đồng nghĩa với việc nó cho phép người lao động người Campuchia gửi tiền về nước với một khoản phí thấp nhất.

Ông Chea Serey cho biết, công dân Campuchia đang làm việc hoặc cư trú tại Malaysia sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dịch vụ này vì giờ đây họ có thể chuyển tiền vào “ví điện tử Bakong” của mình một cách dễ dàng và với chi phí thấp.

“Điều này mang lại cho họ quyền lợi lớn hơn về tài chính do họ có thể chủ động quản lý tài sản của mình, bao gồm cả thanh toán hóa đơn cho gia đình và chuyển tiền cho những người thân trong nước”, ông Chea Serey nói.

Ngân hàng Quốc gia Campuchia được cho là cũng đang đàm phán với Ngân hàng trung ương Thái Lan để cho phép thanh toán thông qua Balong. Khoảng 73% lượng kiều hối chuyển về Campuchia đến từ người lao động đang làm việc ở quốc gia láng giềng Thái Lan.

Kiều hối do người lao động gửi về từ nước ngoài hiện chiếm gần 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia, gần gấp đôi giá trị vào đầu những năm 2000 và là một phần doanh thu đáng kể cho các hộ gia đình ở nông thôn.

Một báo cáo của Ngân hàng trung ương Campuchia vào tháng 6 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, nước này đã nhận được 1,2 tỷ USD kiều hối từ những người lao động ở nước ngoài, giảm 17% so với năm 2019.

Tuy nhiên, rất nhiều trong số hàng tỷ USD này lại không bao giờ vào được túi của các thành viên trong gia đình bởi chi phí chuyển tiền quá cao mặc dù chính phủ Campuchia cũng đã nhiều lần cắt giảm.

Vào năm 2015, chi phí này chiếm khoảng 15%, tuy nhiên vào năm ngoái nó giảm xuống còn 11,7% nhưng vẫn là nước có chi phí chuyển tiền từ nước ngoài cao nhất ở Đông Nam Á.

Nói một cách thực tế hơn, người dân Campuchia đã mất khoảng 140 triệu USD vào năm ngoái vì những chi phí này.

Một nghiên cứu gần đây của Moody’s Investors Service cho thấy, các ngân hàng toàn cầu đã tạo ra khoảng 230 tỷ USD doanh thu từ các giao dịch xuyên biên giới trong năm 2019. Và trong đó có khoảng 100 triệu USD đã được thực hiện bởi các ngân hàng ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Chi phí giao dịch chuyển tiền trung bình đang giảm đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, nhưng không đủ nhanh. Theo một nghiên cứu có tên là Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDG) được công bố trong năm nay, tỷ lệ này sẽ xuống 3% vào năm 2030.

Đối với các quốc gia phát triển, tỷ lệ này trung bình là 7% trong quý đầu tiên của năm 2019, theo một nghiên cứu được công bố năm nay.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí giao dịch trung bình đã giảm từ 7% vào năm 2013 xuống còn 4,5% vào năm 2020 đối với Philippines, quốc gia nằm trong nhóm có phí chuyển tiền thấp nhất thế giới.

Trong khi đó, phí chuyển tiền liên quốc gia của Thái Lan trong năm nay đã tăng từ 4,9 lên 7,7% so với năm ngoái. Lượng kiều hối của Thái Lan chỉ chiếm hơn 1% GDP của nước này.

Tại Việt Nam, nơi lượng kiều hối chiếm 6,5% GDP, chi phí chỉ giảm từ 8,7% năm 2013 xuống còn 7,2% năm ngoái.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm nay, bất chấp đại dịch Covid-19, lượng kiều hối được ghi nhận đến các nước thu nhập thấp và trung bình đạt 540 tỷ USD vào năm 2020, chỉ thấp hơn 1,6% so với năm 2019.

Philippines là điểm đến của ngoại hối lớn thứ tư thế giới, theo một số liệu được công bố vào năm ngoái khi nước này nhận được 34,9 tỷ USD từ người Philippines ở nước ngoài, giảm 0,7% so với năm 2019. Gần 40% lượng kiều hối đến Philippines là từ Hoa Kỳ.

Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ 9 trên toàn cầu với dòng tiền đổ về nước là 17,2 tỷ USD vào năm 2020, giảm nhẹ so với năm 2019.

cambodianworkerthailand-1100x734.jpg
Năm ngoái, người lao động Campuchia ở nước ngoài mất 140 triệu USD phí chuyển tiền về nước.

Ngân hàng Thế giới dự báo dòng kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 2,6% lên 553 tỷ USD vào năm 2021 và 2,2% lên 565 tỷ USD vào năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã đẩy nhanh việc triển khai tiền kỹ thuật số của mình và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trở thành một loại tiền tệ chính để chuyển tiền toàn cầu, đặc biệt nếu các quốc gia tham gia chương trình “Một vành đai, Một con đường” bị áp lực phải đăng ký sử dụng nó.

Trung Quốc là nước nhận kiều hối lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ.

Vào tháng 9 năm nay, Công ty thương mại điện tử Ấn Độ Paytm đã trở thành nền tảng đầu tiên của quốc gia này chấp nhận chuyển tiền quốc tế trực tiếp vào ví kỹ thuật số.

Lộ trình chuyển đổi thanh toán kỹ thuật số của Philippines đặt mục tiêu biến một nửa số giao dịch tài chính thành kỹ thuật số vào năm 2023. Ngân hàng trung ương của quốc gia này gần đây đã báo cáo rằng, thanh toán kỹ thuật số chiếm khoảng 1/5 tổng số giao dịch vào năm ngoái, so với 14,1% vào năm 2019.

Khoảng 70% dân số Philippines không có tài khoản ngân hàng, nhưng “sáu ngân hàng kỹ thuật số chỉ được cấp phép mới được thiết lập để giành lấy một phần của thị trường chuyển tiền 35 tỷ USD từ các tổ chức cho vay truyền thống và các nền tảng phi ngân hàng”, S&P cho biết trong một báo cáo toàn cầu được công bố vào tháng này.

Báo cáo còn cho biết thêm, các ngân hàng ảo như Ngân hàng Philippines ở nước ngoài và Ngân hàng kỹ thuật số Tonik cho biết chuyển tiền là một trong những ngành kinh doanh chính của mình.

Ngân hàng trung ương của Campuchia được xem là tiên phong ở Đông Nam Á và các chính phủ khác có thêm lý do để ủng hộ các chuyển đổi tài chính kỹ thuật số nhằm lấy bớt đi quyền lực của các ngân hàng và trao nó cho người dùng.

Nhiều tiền hơn trong túi của người dân đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ có thêm ngân sách. Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy chi phí chuyển 200 USD giảm 1% dẫn đến lượng kiều hối tăng khoảng 1,6%.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương