Theo CNBC, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết GDP quý II/2019 giảm 3,4% với quý trước. Trước đó, khảo sát của Reuters cho thấy các chuyên gia kinh tế khu vực dự báo tăng trưởng quý II của Singapore sẽ đạt 0,1% so với quý trước.
Quý I/2019, GDP Singapore tăng tới 3,8% so với quý IV/2018. So với năm ngoái, GDP trong quý II của Singapore chỉ tăng vỏn vẹn 0,1%, thua xa dự báo tăng trưởng 1,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Singapore kể từ quý II/2009, khi GDP giảm 1,2%.
Nền kinh tế Singapore đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Getty Images. |
"Những con số của quý II là một thảm họa, thấp hơn nhiều so với những dự báo ít lạc quan nhất", CNBC dẫn lời chuyên gia Selena Ling thuộc Ngân hàng OCBC nhận định. "Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục suy yếu".
Bà Ling nhận định Singapore sẽ giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 xuống 0,5-1,5%. Có nguy cơ Singapore sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020. Trước đó chính quyền đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 1,5-2,5% trong năm 2019.
Trong quý II/2019, hoạt động sản xuất của Singapore sụt giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 5/2019, sản lượng hàng điện tử - động lực tăng trưởng của nền kinh tế Singapore trong 2 năm qua - giảm liên tục 6 tháng.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu. Ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings, cũng cho rằng "sự sụt giảm mạnh của GDP Singapore không phải là một điềm báo tốt cho phần còn lại của châu Á".
Mức độ hội nhập sâu rộng của Singapore vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu khiến nền kinh tế nước này rất dễ tổn thương trước sự giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu và các cuộc chiến thuế quan. Mấy tháng qua, xuất khẩu của Singapore đã bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại, trong đó giá trị xuất khẩu tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ đầu 2013.
"Lúc đầu, tôi nghĩ số liệu GDP sẽ là một con số xấu, nhưng trên thực tế, con số rất xấu", ông Chua phát biểu. "Nguy cơ kinh tế Singapore rơi vào suy thoái kỹ thuật là có thật. Mọi người cho rằng suy thoái có thể chỉ xảy ra ở cấp độ nông, nhưng khả năng suy thoái sâu là hoàn toàn có".
Ngoài căng thẳng thương mại, sự giảm nhiệt của lĩnh vực công nghệ cũng đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của Singapore. Khoảng 40% xuất khẩu của nước này tập trung ở lĩnh vực mạch tích hợp, theo ông Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Scotiabank ở Singapore.
Dòng vốn dịch chuyển
Theo Reuters, Hồng Kông và Singapore cạnh tranh quyết liệt để được coi là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. Các ngân hàng tư nhân toàn cầu bao gồm Credit Suisse và UBS, cũng như các nhà quản lý tài sản châu Á có hoạt động ở cả hai nơi này.
Theo báo cáo năm 2018 từ Credit Suisse, sự giàu có do các ông trùm Hồng Kông nắm giữ cho đến nay đã biến thành phố này thành cơ sở của cải tư nhân hàng đầu châu Á, với 853 cá nhân nắm giữ hơn 100 triệu USD - gấp đôi con số ở Singapore.
Các ngân hàng Singapore, bao gồm DBS và OCBC, đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh tại Hồng Kông và Trung Quốc trong vài năm qua, và khu vực Trung Quốc Đại lục chiếm một phần đáng kể trong doanh thu của họ.
Giống như các công ty trong ngành trên toàn cầu khác, các nhà quản lý tài sản của Singapore cũng có các phòng giao dịch lớn của Trung Quốc tại Singapore dành riêng cho khách hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan và giúp họ mở tài khoản ngân hàng và thiết lập văn phòng gia đình hoặc ủy thác.
"Thực tế là chúng tôi đang nhận được câu hỏi từ khách hàng ở Hồng Kông. Họ muốn biết điều này sẽ ảnh hưởng đến tài sản của họ và thị trường Hồng Kông như thế nào", một giám đốc điều hành ngành công nghiệp nói.
"Nếu họ thực sự muốn di chuyển ra nước ngoài, chúng tôi phải giúp họ thực hiện điều đó", vị giám đốc điều hành nói thêm.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa