Kinh tế Việt Nam chuyển sang "trạng thái mới"

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu.

Nhiều biến động

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, kinh tế thế giới năm 2019 qua đi với nhiều diễn biến phức tạp tiếp nối từ năm 2018. Những cụm từ “chiến tranh thương mại Mỹ Trung”, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng địa chính trị, Brexit, giá dầu diễn biến khó lường, chính sách tiền tệ nới lỏng, đường cong lợi tức đảo chiều, lãi suất âm… dường như không tạo được nhiều cảm xúc như cách đây 3 năm.

Kinh tế đêm ở Đà Nẵng được triển khai bài bản.
Kinh tế đêm ở Đà Nẵng được triển khai bài bản.

Thực tế, tất cả đã trở thành những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Những điều bất thường xảy ra quá thường xuyên dần trở thành những điều bình thường, hiển nhiên. Thuật ngữ khoa học gọi là “bình thường mới”. Cụ thể, kinh tế thế giới nổi bật lên với ba điều “bình thường mới”.

Thứ nhất, lãi suất ngắn hạn thấp hơn lãi suất dài hạn, điều mà cách đây 10 năm là chỉ báo của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Thuật ngữ khoa học gọi là đường cong lợi tức đảo ngược. Thì hôm nay, 2018-2019, điều này là rất bình thường, bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, các nhà đầu tư đều hướng đến tài sản an toàn, và trái phiếu là lựa chọn tối ưu. Nhiều người mua trái phiếu sẽ làm giá trái phiếu tăng, logic tất yếu giá trái phiếu tăng thì lãi suất trái phiếu dài hạn giảm, và giảm đến mức thấp hơn cả lãi suất ngắn hạn.

Thứ hai, nếu cách đây 10 năm, khi lạm phát thấp, ngân hàng Trung ương các quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất sẽ giảm và lạm phát tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thì trong vài năm trở lại đây, quy luật này không đúng với diễn biến kinh tế tại Châu Âu, Nhật Bản cũng như Mỹ.

Chính sách lãi suất "zero", âm vẫn không đẩy được lạm phát lên mức mục tiêu. Điều này chỉ ra các công cụ truyền thống của chính sách tiền tệ đang dần hết dư địa (năm 1990, FED Fund Rate ở 3% là có thể đẩy lạm phát lên 4-5%, thì nay FED Fund Rate 1% nhưng lạm phát không thể đạt mục tiêu 2%).

Thứ ba, ngoại trừ kinh tế Mỹ, các quốc gia phát triển còn lại đều áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng dường như không thể kích thích được tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, ngay cả Mỹ, Chủ tịch FED, Powell tuyên bố “10 năm mở rộng chính sách tiền tệ và lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu của chúng tôi”. Các nhân tố được cho là dẫn tới mức lạm phát thấp dù chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài tập trung tại vấn đề 4.0.

Theo đó, (i) Khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng cao hơn nhờ sử dụng công nghệ và thương mại điện tử. Ngày nay người tiêu dùng có thể mua sắm ở bất kỳ nơi đâu với giá cả cạnh tranh nhờ một click chuột. (ii) Tình trạng thiếu hụt hàng hóa hiếm khi xảy ra nhờ quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc cũng như năng lực sản xuất ngày càng tăng lên. Hiện tượng Hàng hóa thiếu hụt so với lượng tiền cung ứng lớn gần như không còn.

Tất nhiên, vẫn có những quốc gia bị ảnh hưởng bởi quy luật cũ như Trung Quốc lạm phát tháng 11/2019 tăng 4.5%, mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Hay xa hơn là giá ớt đã đẩy lạm phát tăng vọt ở Indonesia trong tháng 6/2012 do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Các quốc gia trên ít nhiều chưa phải là trung tâm của công nghệ 4.0, nơi những kỹ thuật hiện đại giúp nông nghiệp không nhất thiết dựa quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng cũng như AI giúp phát triển các loại kháng sinh chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Chuyển đổi sang trạng thái mới

Song hành với diễn biến “bình thường mới” toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chuyển đổi sang “trạng thái mới”. Theo đó, các yếu tố như nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn biến khó lường và vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu. Những diễn biến trên làm cho bức tranh thương mại và FDI vào Việt Nam có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2011-2016.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam.

Sử dụng mô hình VAR, với các biến:

- Xt = (cpit, yt, crt, netext, fdit) là vec-tơ các biến nội sinh bao gồm: chỉ số giá tiêu dùng, gdp thực, tín dụng cho nền kinh tế (kênh tín dụng), netex là xuất khẩu (kênh thương mại), fdi (kênh đầu tư nước ngoài). Các biến nội sinh đều có dạng sai phân logarit (dlog).

- Zt = (iust, oilpt, d1, d4) là vec-tơ các biến ngoại sinh, trong đó: ius là lãi suất thực hiệu dụng của FED, oilp là giá giá dầu thô (Brent) bình quân, d1 và d4 là biến giả mùa vụ quý I và quý IV. Biến oilp có dạng sai phân logarit (dlog) trong khi biến ius là dạng sai phân (d).

Kết quả cho thấy, tổng hợp cả 2 kênh tác động chính của xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, mặc dù kênh thương mại làm suy giảm sản lượng nhưng kênh đầu tư lại giúp cải thiện hơn GDP trong trung hạn.

Nếu hai luồng tác động này triệt tiêu lẫn nhau thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng tuy nhiên nếu một trong hai luồng tác động mạnh hơn luồng còn lại thì GDP cũng biến động theo một trong hai chiều hướng là tích cực hoặc tiêu cực hơn.  

Như vậy, năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng ngoạn mục với tỷ lệ 17,7% và vốn đăng ký FDI tiếp tục tăng trưởng khá đã cho thấy việc điều hành hiệu quả của chính phủ đối với hoạt động xuất nhập khẩu cũng như việc tạo môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Từ đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu nhưng không tác động tiêu cực đến tăng trưởng Việt Nam. Như vậy diễn biến “không bình thường” của kinh tế thế giới lại góp phần tạo ra “trạng thái mới” ở Việt Nam.

Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017-2018. Nhìn bức tranh tăng trưởng từ 2017 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Một mặt, đây là mức tăng trưởng ổn định, cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước đây.

Năm 2019 cũng là năm thứ năm mà lạm phát xóa bỏ chu kỳ 2 năm cao, 1 năm thấp. Nếu như trước đây, người Việt Nam luôn lo sợ lạm phát bùng phát, tỷ giá bất ổn trước các cú sốc thương mại, tăng giá thực phẩm hay các mặt hàng nhu yếu phẩm,… thì nay lạm phát luôn được kiềm chế dưới mốc 4%, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng giá thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.

Thêm vào đó, mức thâm dụng tín dụng (được tính bằng tăng trưởng tín dụng/tăng trưởng GDP danh nghĩa) có xu hướng giảm, cho thấy dòng vốn tín dụng đã được “định hướng” vào khu vực kinh tế thực, từ đó tạo ra nhiều hơn những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Không nhất thiết cứ tăng trưởng tín dụng cao mới hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một “trạng thái mới” khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu.

Những hiện tượng trên là khác biệt rất tích cực, nhưng đã diễn ra lặp đi lặp lại trong 3 năm trở lại đây nên dường như đã tạo cảm giác đó là những việc “hiển nhiên”, “bình thường”. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

“Tình trạng mới” không chỉ diễn ra trên bình diện nền kinh tế mà còn thể hiện qua hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hơn mười năm trước đây, khi dòng vốn quốc tế chảy vào lớn đột biến sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động mua vào ngoại tệ để trung hòa tỷ giá đã phần nào tạo ra áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện mua vào ngoại tệ để trung hòa, nhằm ổn định tỷ giá nhưng đồng thời hút tiền hợp lý thông qua nghiệp vụ thị trường mở, từ đó đảm bảo lượng vốn khả dụng ở mức độ vừa phải đáp ứng nhu cầu thanh toán của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, nghiệp vụ thị trường mở thông qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá và phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả trong việc trung hòa lượng tiền đồng lớn được bơm vào qua kênh mua ngoại tệ. Kết quả là, từ năm 2016 đến nay, dòng vốn quốc tế chảy vào rất mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện mua ngoại tệ (riêng năm 2019 mua được mức kỷ lục 20 tỷ USD), tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD và gấp 6 lần năm 2011) nhưng lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp ổn định.

Đây thực sự là một thành công cần ghi nhận và dường như đang được coi là một “trạng thái mới” trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Đơn giản vì những thành công này liên tục được lặp lại trong 3 năm qua.

Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang trạng thái mới.
Kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang trạng thái mới.

Hơn thế, đối chiếu với các khuyến nghị của khuôn khổ “Quản lý dòng vốn nước ngoài” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn phù hợp.

Cụ thể, theo cách tính toán của IMF, tỷ giá hối đoái của Việt Nam đang ở mức cân bằng, kinh tế không tăng trưởng nóng và dự trữ ngoại hối cần phải tiếp tục bổ sung. Với các dữ liệu vĩ mô như vậy, nhóm chính sách được IMF khuyến nghị là tiếp tục các biện pháp khuyến khích mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhưng không cần trung hòa hết nhằm tạo thanh khoản, giúp hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2017-2019 đã minh chứng rõ nét việc thực hiện các khuyến nghị của IMF.

Như vậy, Việt Nam không hề có dấu hiệu nào của việc dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với các đối tác thương mại cũng như không can thiệp có chủ đích để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Nói cách khác, Việt Nam không liên quan đến thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những than vãn về cơ sở hạ tầng giao thông, về dự án sân bay Long Thành, metro Sài Gòn chậm trễ, về khả năng Sài Gòn biến mất do ngập lụt, về khó khăn của các doanh nghiệp start up… Tuy nhiên, với tư duy của nhà kinh doanh, đâu đó chính những thách thức này sẽ là cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho những doanh nghiệp giải quyết về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp có ý tưởng về AI, xử lý biến đổi khí hậu.

Giống như các phụ huynh chúng ta căm ghét việc con mình chơi game. Thì hiện nay, đã có 2 trường đại học của Trung Quốc – Shenyang Citi và ĐH Kỹ thuật Laxiang – Tế Nam đào tạo sinh viên chuyên ngành Game thủ với 50% thời gian chơi game, 50% học lý thuyết liên quan đến tự sản xuất, phân tích game, dẫn chương trình game, tổ chức giải đấu và quản lý các câu lạc bộ game, học phí 13.000 Nhân dân tệ/năm.

Các cơ sở đào tạo này làm để đón đầu việc môt eSport đã chính thức trở thành môn thi đấu tại Asian Game năm 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc cũng như một thị trường với 260 triệu người chơi đồng thời thiếu gần 300 ngàn game thủ chuyên nghiệp.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương