Các chuyên gia kinh tế lo ngại, dù ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất điều hành thấp nhưng các ngân hàng thương mại lại liên tục tăng lãi suất huy động, do đó sức ép tăng lãi suất cho vay là khó tránh khỏi.
Lãi suất cho vay lên tới 11%, chấp nhận giá đắt vẫn khó xoay tiền làm ăn. Hồi đầu năm, các dự báo đưa ra cho thấy, lãi suất huy động sẽ tăng từ 0,3-0,5 điểm % trong năm 2022. Song, trên thực tế, tính đến giữa tháng 6/2022, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn lên từ 0,6-0,8 điểm %/năm. Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây nhận định, lãi suất huy động có thể tăng từ 1 đến 1,5 điểm % trong cả năm nay. VCBS đánh giá lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng, tuy nhiên có độ trễ hơn so với lãi suất huy động.
Theo Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nhận định, nhờ việc kiểm soát được lạm phát nên mặt bằng lãi suất cho vay trong nước từ đầu năm đến nay, mới chỉ tăng 0,09%/năm. Tuy nhiên, khi lạm phát gia tăng về cuối năm, sẽ trực tiếp tạo áp lực lên lãi suất. Với các diễn biến quốc tế và giá cả trong nước, áp lực từ nay đến cuối năm và năm 2023 là rất lớn.
Rủi ro lạm phát lớn nhất với thị trường hiện nay là biến động giá dầu trong nước và quốc tế, cùng với đó là những cú sốc về chuỗi cung ứng, dẫn tới mặt bằng giá cả các nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, ông Quang nói. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng, Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát thì mới có khả năng giữ được lãi suất thấp. Còn trong trường hợp không kiểm soát được lạm phát thì không thể giữ được.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước không có ý định tăng thêm, do lo ngại lạm phát. Khi nhu cầu vốn tăng cao, nhất là vào những tháng cuối năm, sẽ khó tránh khỏi việc nhiều ngân hàng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng lên.
Các ngân hàng cũng thông báo, trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động, phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 12 tháng hiện nay đã tiệm cận mức 7%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3,5-4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng đã ở mức từ 10,5-11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ lớn hơn trong giai đoạn từ nay cho tới cuối năm, đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao, buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn. Điều này sẽ kéo theo những áp lực nhất định đối với lãi suất cho vay.
Chính Ngân hàng Nhà nước cũng lo lắng về lạm phát tác động tới lãi suất. Phó thống đốc Đào Minh Tú, trong buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 15/6, đánh giá, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng mạnh gần đây, đặc biệt là giá xăng dầu trong nước, lạm phát không còn là áp lực nữa mà đã hiện hữu với thị trường Việt Nam.
Tính đến 20/5, lạm phát của Việt Nam là 2,25%, vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, khó tránh khỏi hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Hàng loạt nền kinh tế lớn đang là đối tác lớn của Việt Nam, đều ghi nhận mức lạm phát cao nhất hơn 30 năm trở lại đây. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đến cuối tháng 5 đã là 8,6%, tại Anh là 9%, tại Đức là 7,04%, tại Hàn Quốc là 5,4%, tại Thái Lan là 7,1%, tại Philippines là 5,4% và tại Indonesia là 3,6%...
Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,75%/năm. Các dự báo cho rằng, từ nay đến cuối năm, mức lãi suất này có thể tăng lên 2,75-3%. Điều này sẽ tác động rất lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.
Tổng Hợp