Lời cảnh báo của WHO cho châu Á trước biến chủng Omicron

Những nơi đầu tiên tại châu Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đã siết chặt nhiều hạn chế, từ nhập cảnh đến cách ly, để ngăn chủng này lan.

Tính tới ngày 3/12, nhiều nước tại châu Á đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ, theo Bloomberg.

Dù chưa rõ tác động của biến chủng này, chính phủ nhiều nước đã siết chặt các quy định phòng dịch để ngăn chặn Omicron lan rộng trong cộng đồng, trong đó chủ yếu là hạn chế hoặc cấm nhập cảnh hay bắt buộc và tăng thời gian cách ly.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiêm chủng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát dịch do biến chủng Omicron bởi kiểm soát biên giới không phải là giải pháp duy nhất mà chỉ có thể "câu giờ".

WHO cũng kêu gọi các quốc gia nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Siết chặt quy định liên quan tới tiêm chủng

Tại Hàn Quốc, sau khi ghi nhận 6 ca nhiễm biến chủng Omicron, vào ngày 3/12, chính phủ thông báo những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim và nhiều không gian công cộng khác sẽ phải xuất trình bằng chứng tiêm chủng.

Một du khách xét nghiệm Covid-19 sau khi tới sân bay Narita của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Một du khách xét nghiệm Covid-19 sau khi tới sân bay Narita của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

 Công chúng sẽ có thời gian 1 tuần để thích nghi với quy định mới, South China Morning Post đưa tin. Hàn Quốc hiện mới chỉ áp dụng quy định này ở các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như phòng tập thể dục, xông hơi và quán bar.

Từ tháng 2/2022, quy định xuất trình thẻ tiêm chủng sẽ áp dụng cho người trên 12 tuổi. Chính phủ quyết định giảm độ tuổi (hiện là 17 tuổi trở lên) nhằm khuyến khích thanh thiếu niên đi tiêm phòng. Nhóm dưới 18 tuổi hiện chiếm 20% tổng số ca nhiễm ở nước này.

Từ giới hạn tụ tập 10 người tại khu vực Seoul, chính phủ chỉ cho phép 6 người gặp mặt cùng lúc. Trong khi đó, con số này ở các khu vực khác là 8.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng áp lệnh cách ly 10 ngày với toàn bộ hành khách nhập cảnh từ ngày 3/12, chấm dứt quy định miễn trừ với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 28/11, Hàn Quốc áp lệnh cấm nhập cảnh với 8 quốc gia châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Một du khách xét nghiệm Covid-19 sau khi tới sân bay Narita của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Trong khi đó, vào ngày 3/12, Ấn Độ xác nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở bang Karnataka. Một trong số họ, 66 tuổi, quốc tịch Nam Phi, tới từ đó và đã rời Ấn Độ vào ngày 27/11. Người đàn ông thứ 2 là bác sĩ 46 tuổi ở thành phố Bengaluru không có lịch sử đi du lịch. 5 người tiếp xúc gần bác sĩ có kết quả dương tính và đang được giải trình tự gene, theo BBC.

Sau khi phát hiện hai bệnh nhân, Bộ trưởng Y tế Basavaraj Bommai cho biết tình hình đang được theo dõi chặt chẽ: "Nhiệm vụ bây giờ là theo dõi và truy vết những ca mắc" cùng tất cả du khách quốc tế.

Bắt đầu từ 1/12, Ấn Độ công bố hạn chế đi lại mới đối với hành khách quốc tế đến từ các khu vực "có nguy cơ". Du khách khi đến sẽ phải xét nghiệm và không được rời sân bay cho tới khi có kết quả.

Nếu dương tính, họ sẽ được đưa đi cách ly và điều trị, trong khi mẫu bệnh sẽ được giải trình tự gene. Với người có kết quả âm tính, họ sẽ cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 8.

Mỗi bang của Ấn Độ cũng đang có các chính sách khác nhau dành cho du khách quốc tế. Ví dụ, tại bang Delhi và Karnataka, tất cả hành khách sẽ phải xét nghiệm PCR khi tới. Giới chức các bang cũng có biện pháp mạnh tay để tăng tỷ lệ người tiêm chủng mũi hai. Bang Kerala tuyên bố người không tiêm mũi hai sẽ không được điều trị miễn phí nếu nhiễm virus.

Giữa lúc giới chức thông báo phát hiện ca thứ hai nhiễm biến chủng Omicron là du khách mới nhập cảnh - một ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản ngày 1/12 yêu cầu tất cả hãng hàng không ngừng nhận đặt vé.

“Chúng tôi đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận đặt vé tất cả chuyến bay trong một tháng kể từ ngày 1/12", một quan chức Bộ Giao thông Vận tải nói với AFP. Vị quan chức nói thêm rằng các chỗ đã đặt trên những chuyến bay hiện có sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau khi bị chỉ trích, bộ này đã phải rút lại lệnh cấm trên.

Chính phủ Nhật Bản trước đó đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, cấm toàn bộ người nước ngoài từ 10 quốc gia miền Nam châu Phi. Các biện pháp cách ly cũng được tăng cường đối với công dân và người nước ngoài từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ vì lo ngại biến chủng mới.

"Bình tĩnh và cảnh giác"

Du khách đến sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters
Du khách đến sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters

 Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron vào ngày 2/12. Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết 2 hành khách tới nước này từ Nam Phi trên chuyến bay của hãng Singapore Airlines có xét nghiệm ban đầu cho thấy dương tính với biến chủng Omicron.

Trước đó, vào thời điểm chưa có ca nhiễm nào, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung so sánh biến chủng Omicron với trò chơi tung xúc xắc rắn leo thang.

"Chúng ta không biết lần tung xúc xắc tiếp theo sẽ thế nào và chúng ta sẽ tiến đến đâu. Nếu nó chỉ là một biến chủng không gây tác động lớn, chúng ta sẽ tiếp tục con đường chung sống với virus như một quốc gia kiên cường", ông Ong nói trong cuộc họp báo.

Khi cả thế giới nỗ lực tìm hiểu về biến chủng mới, ông Ong cho biết Singapore sẽ thực hiện cách tiếp cận thận trọng bằng cách ngăn chặn Omicron lây nhiễm quá sâu trong cộng đồng. Biên giới sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên của Singapore, một cách để câu giờ củng cố các “tuyến phòng thủ” khác.

Theo Straits Times, bắt đầu từ ngày 3/12, những người đến Singapore bằng đường hàng không, bao gồm cả công dân nước này, cần phải có giấy xét nghiệm âm tính 2 ngày trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR khi tới.

Những hành khách đã tiêm chủng đầy đủ đến Singapore qua chương trình Du lịch không cách ly (VTL) sẽ phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ART) vào ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi tới. Kế hoạch mở rộng hành lang VTL với Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia cũng hoãn lại.

Ngoài ra, giới chức cũng trì hoãn một số biện pháp nới lỏng như cho phép nhiều người tụ tập ăn uống. Bất cứ ai nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron sẽ phải điều trị và cách ly tại Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm. Những người tiếp xúc gần sẽ phải cách ly 10 ngày tại cơ sở được chỉ định, xét nghiệm PCR vào ngày 1 và ngày 10.

South China Morning Post đưa tin quốc gia thứ 2 ghi nhận biến chủng Omicron ở Đông Nam Á là Malaysia. Ca nhiễm này là một sinh viên nước ngoài, 19 tuổi, đã được cách ly sau khi đến từ Nam Phi hai tuần trước.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin ngày 3/12 kêu gọi người dân “bình tĩnh và cảnh giác” bởi chính phủ đã chuẩn bị để đối phó với tình huống này thông qua xét nghiệm khi nhập cảnh, tiêm chủng và giám sát cộng đồng.

Trước đó, Malaysia cấm du khách từ 8 quốc gia châu Phi - Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi - nhập cảnh. Danh sách này sẽ được mở rộng nếu có thêm nước xác nhận xuất hiện ca mắc liên quan tới Omicron.

Người dân Malaysia từ những quốc gia này có thể trở về nước nhưng phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định. Kế hoạch VTL cũng bị trì hoãn với những quốc gia bị ảnh hưởng. Những người đến từ khu vực nguy cơ cao sẽ phải đeo thiết bị theo dõi trong suốt thời gian cách ly bắt buộc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein hôm 30/11 thông báo Malaysia hoãn kế hoạch sống chung với Covid-19 do lo ngại biến chủng Omicron. Chính phủ trước đó đặt ra 7 tiêu chí cần đạt được trước khi bước vào giai đoạn biến Covid-19 thành bệnh đặc hiệu.

Các tiêu chí bao gồm số lượng giường bệnh đang sử dụng tại các bệnh viện, đơn vị chăm sóc đặc biệt, trung tâm cách ly và điều trị; năng lực xét nghiệm và tỷ lệ dương tính.

Phương Linh

theo Zing News

Tại sao nhiều CEO công nghệ là người gốc Ấn Độ?

Tại sao nhiều CEO công nghệ là người gốc Ấn Độ?

Tại Thung lũng Silicon, hiện nay hầu hết các công ty công nghệ đều có CEO là người gốc Ấn. Parag Agrawal tuần này trở thành người mới nhất trong danh sách dài các chuyên gia sinh ra ở Ấn Độ được bổ nhiệm làm CEO công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon.