Theo báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết ngày 31/12/2021, đã có hơn 20.600 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công bố lỗ lũy kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, mặc dù có doanh thu cao, nhưng doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang có tỷ lệ lỗ lũy kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2021 rất cao, với tổng lỗ trên 547.800 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, hiện doanh nghiệp FDI có mặt 19/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, năm 2021 họ nộp ngân sách là hơn 217.200 tỷ đồng, tăng trên 11.00 tỷ đồng so với 2020.
Về doanh thu và lợi nhuận, trong năm 2021, doanh nghiệp FDI có tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 423.800 tỷ đồng, tăng hơn 86.900 tỷ đồng so với năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt trên 25,8%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 366.200 tỷ đồng, tăng hơn 83.500 tỷ đồng, ước tăng trên 29,6% so với năm trước.
Riêng doanh nghiệp FDI chế biến, chế tạo có doanh thu ước khoảng 6,98 triệu tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam, mức tăng trưởng doanh thu năm 2021 tăng 1 triệu tỷ đồng (mức tăng trên 18%).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dù có đóng góp lớn vào ngân sách song hiện có nhiều doanh nghiệp khu vực FDI có số lỗ lũy kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu rất lớn. Cụ thể, tính đến hết năm 2021 có hơn 20.600 doanh nghiệp FDI công bố lỗ lũy kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 16.250 doanh nghiệp là bị lỗ lũy kế (chiếm 62% số doanh nghiệp) tăng 8% so với năm trước và số lỗ hơn 706.100 tỷ đồng. Cùng đó, hơn 4.400 doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu (chiếm 17% doanh nghiệp), số lỗ hơn 162.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Riêng trong năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là gần 14.300 doanh nghiệp, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 và số lỗ hơn 168.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù có doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao nhất khối FDI, song doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang có số lỗ lũy kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu cao nhất, tổng số lỗ tính đến hết năm 2021 là trên 547.800 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 6.140 doanh nghiệp báo lỗ lũy kế (chiếm 38% tổng số doanh nghiệp báo lỗ lũy kế), số lỗ hơn 464.800 tỷ đồng, (chiếm 66% tổng lỗ lũy kế). Có hơn 1.480 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu (chiếm trên 34% số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn), số lỗ là 83.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 51% tổng giá trị doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn).
Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội phù hợp với quan điểm chỉ đạo "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu" theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao (quy mô dự án, trình độ công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, nghiên cứu và phát triển…) đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
(Tổng hợp)