Luật sư: Cắt ghép video giả mạo bán "thuốc gia truyền" có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo của các đối tượng trên là hành vi vi phạm pháp luật.

Những ngày vừa qua, Facebook và Youtube liên tục xuất hiện những đoạn clip hay những đoạn quảng cáo ngắn sai sự thật, được lồng ghép tinh vi, thậm chí ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của MC nhà đài. Hoặc đôi khi là chèn logo giả là kênh truyền hình "ảo" được gắn mác DDTV, VCTC, SHTV... Một số quảng cáo còn lấy hình ảnh những bác sĩ, giáo sư danh tiếng để chèn tên và cắt ghép chuyên nghiệp.

Các đối tượng còn đầu tư sản xuất phóng sự để quảng cáo mỹ phẩm, bán thực phẩm chức năng, bán thuốc đông y lừa đảo, thuê người giả người dẫn chương trình của VTV, gắn logo VTV để mạo danh, nhằm trục lợi bất chính. Đa phần nhắm đến những người khách hàng khoảng 50 trở lên và có nhu cầu chữa bệnh nhưng hạn chế thông tin. 

  Những chương trình truyền hình của nhà đài bị cắt ghép để quảng cáo thuốc trên YouTube.

Những chương trình truyền hình của nhà đài bị cắt ghép để quảng cáo thuốc trên YouTube.

Hình ảnh GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - bị gán vào một quảng cáo bằng một cái tên mới là
Hình ảnh GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - bị gán vào một quảng cáo bằng một cái tên mới là "giáo sư Ngô Vĩnh Trung" - Ảnh: L.ANH

Dù cơ quan công an đã vào cuộc xử phạt một số đối tượng lừa đảo nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn gia tăng với nhiều hình thức khác nhau.

Trao đổi với Trí thức trẻ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một số người đã bất chấp đạo đức xã hội, bất chấp quy định pháp luật để đưa những tin giả, tin sai sự thật. Dù bị xử phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm với nhiều hình thức tinh vi khác nhau.

Theo điều 267 Bộ luật Hình sự, tội giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức nhà nước hoặc sử dụng tài liệu đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

  Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư Cường nhấn mạnh: "Mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật, và người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Theo luật sư Cường, hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về "Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định"; "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm.

Nếu có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự; có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.

Theo luật sư Cường, việc lợi dụng niềm tin, uy tín của một cơ quan nhà nước để quảng cáo sản phẩm kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, tăng doanh thu, trục lợi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo điều 198 của BLHS năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam bởi tình tiết có tổ chức.

Ông Cường nhận định, hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín của Đài Truyền hình quốc gia, đến danh dự cá nhân các bác sĩ và chuẩn mực đạo đức xã hội. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ, từ đó có đủ căn cứ để nghiêm trị theo pháp luật. Về phía khách hàng khi đã mua phải sản phẩm quảng cáo giả có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa dối khách hàng của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.

Thanh Mai

Cách chặn quảng cáo trên Youtube đơn giản nhất, không cần cài đặt phần mềm

Cách chặn quảng cáo trên Youtube đơn giản nhất, không cần cài đặt phần mềm

Bạn có thể áp dụng 2 cách cực kỳ đơn giản sau đây để chặn quảng cáo trên Youtube mà không cần phải cài đặt bất kỳ ứng dụng phức tạp nào.