Miền Tây, nước mặn như... nước mắt

Kênh rạch trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, con lộ đan nhỏ ở xóm ven biển Tiền Giang mỗi chiều tấp nập người dân xếp hàng chờ hứng nước ngọt.

Có về miền Tây mùa hạn mặn này, mới hiểu, vì sao bà con nơi này không còn tâm trí quan tâm đến "con corona". Bởi cuộc sống của họ đang quá nhiều lo âu. 

Ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ chết khô, người nông dân khóc ròng vì nạn hạn mặn.
Ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ chết khô, người nông dân khóc ròng vì nạn hạn mặn.

4h30 sáng, Hai Phương (ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thức dậy, pha vội ấm trà để kịp mang theo ra đồng. Đây là thói quen của người đàn ông 45 tuổi, sau 15 năm gắn bó với nghề trồng màu. Nhưng buổi sáng hôm ấy, lội bộ ra con kênh Kiểm Lâm phía trước nhà, ông thừ người khi thấy mực nước dưới kênh đã sụt vài tấc chỉ trong một đêm.

Những ngày sau đó, nước dưới kênh tiếp tục cạn dần, Hai Phương lo lắng, dùng máy bơm chạy hết công suất đưa nước vào ruộng, nhưng nước cũng chỉ "trụ" được một, hai ngày rồi lại trơ đáy dưới cái nóng thiêu đốt.

Nỗ lực cứu ruộng dưa 3 ha vừa cho trái của Hai Phương thất bại hoàn toàn sau 10 ngày, khi lòng kênh giờ chỉ còn là những vết nứt nẻ. Hàng nghìn gốc dưa từ màu xanh, dần chuyển sang vàng úa, cho trái èo uột rồi chết héo. Những dây đã cho trái bằng miệng chén cũng không thể phát triển hơn được.

Mất trắng ruộng dưa hấu, vợ chồng Hai Phương chỉ còn biết trông đợi vào rẫy dưa leo 7.000 m2 đang đến lứa thu hoạch. Thông thường, sau một tháng gieo trồng, dưa sẽ cho trái kéo dài trên 25 ngày. Nhưng, niềm hy vọng cuối cùng của vợ chồng cũng sụp đổ khi rẫy dưa chỉ cho trái đúng 12 ngày, rồi cũng vàng úa, chết dần do thiếu nước tưới.

Người dân trữ nước ngọt trong lu để dùng dần trong mùa hạn mặn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Người dân trữ nước ngọt trong lu để dùng dần trong mùa hạn mặn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Cách vùng đất cực Nam 170 km, giữa trưa nắng khoảng 33 độ C, những chiếc máy cày vẫn đang xới tung mặt ruộng, trên cánh đồng lúa khô héo đã 40 ngày tuổi ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Một nông dân lùa đàn bò ra giữa cánh đồng, chúng cặm cụi gặm những đám lúa èo uột, vàng cháy còn sót lại bên những luống cày. Kênh nội đồng quanh vùng cạn trơ đáy, trong khi các kênh đổ ra sông Hậu thì quá mặn, không thể lấy nước vào ruộng.

Đến nay, Cà Mau ghi nhận hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại 30-70%; 340 ha hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn mặn, chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời. Mùa hạn mặn khốc liệt bốn năm trước, toàn tỉnh có hơn 50.000 ha lúa bị thiệt hại; 4.700 ha hoa màu chết khô. Cà Mau cùng 12 địa phương khác ở miền Tây đã công bố thiên tai hạn hán. 

Ngồi thẫn thờ bên bờ ruộng nhặt những hạt lúa giống khô queo, bà Nguyễn Thị Nhiên (38 tuổi, Tân Hưng) cho biết, sau khi sạ hơn 40 ngày, do không có nước tưới, nên mầm lúa không lên nổi. Vụ này, bà xuống giống 20 ha, đến nay, xem như "công cốc", thiệt hại hơn 150 triệu đồng.

Theo ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Phú, độ mặn các con kênh trên địa bàn đang ở mức cao, khoảng 6.000mg/l (6 phần nghìn), trong khi bình thường dưới 250mg/l. Toàn huyện có 15.000ha đất trồng lúa, vụ đông xuân muộn này, người dân xuống giống 3.600 ha bất chấp khuyến cáo, thiệt hại hoàn toàn.

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại Ba Tri, Bến Tre với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng sau 6 tháng đưa vào sử dụng cũng bị nhiễm mặn.
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại Ba Tri, Bến Tre với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng sau 6 tháng đưa vào sử dụng cũng bị nhiễm mặn.

"Có hệ thống thủy lợi khép kín, nhưng do mặn đến sớm và luôn ở mức cao, nên hệ thống cống đập không thể mở lấy nước ngọt cho người dân tưới lúa, hoa màu", ông Vũ nói.

Từ Long Phú đến Kế Sách khoảng 50km, hàng nghìn hecta cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt đặc sản cũng đang bị đe dọa bởi cơn khát. Nhà chức trách tỉnh này đang nỗ lực khoan thêm 30 giếng nước ngầm với tổng sản lượng 30.000 m3, giúp 26.000 người cầm cự qua mùa khắc nghiệt.

Về Bến Tre mùa này, nhất là khu vực huyện chợ Lách, súc miệng như ngậm muối, tắm cũng gặp nước mặn, dội bao nhiêu nước cũng cứ rít rít, không sao tẩy hết. Tất cả đều đắng, chát: nước tưới ruộng, vườn; nước sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt, đều mặn. 

Ngoài Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, nhiều địa phương khác ở miền Tây cũng bị nước biển xâm nhập, sớm hơn một tháng so với đợt gây hậu quả nặng nề bốn năm trước. Hiện chỉ còn Đồng Tháp nằm ngoài "vòng vây" nước mặn.

Nguyên nhân được cơ quan chuyên xác định do đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40cm và 20cm so cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với triều cường rằm tháng Giêng và gió mùa đông bắc làm cho độ mặn trên các sông Tây Nam Bộ lên cao và xâm nhập 50-95 km (ranh mặn 4 phần nghìn), sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11km.

Giữa tháng 2, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km.
Giữa tháng 2, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km.

Kịch bản hạn mặn khốc liệt từng được các chuyên gia dự báo từ giữa năm ngoái. "Hạn mặn năm nay thậm chí gay gắt hơn cả đợt thiên tai lịch sử bốn năm trước, đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 3 tới", thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, cần hạn chế tối đa sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên, như Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, diện tích gần 1,2 triệu ha chỉ nên làm hai vụ, tập trung sản xuất sạch, hữu cơ. Cần giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển sang cây trồng ít sử dụng nước. Mùa lũ cần cho nước tràn vào hai vùng này để bồi đắp phù sa, vệ sinh đồng ruộng. Lúc đó vùng hạ nguồn sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín, nước có thể vào lại ruộng vườn.

Túi chứa nước
Túi chứa nước "khổng lồ" - ngang 2.5m, dài 10m, chứa được 15m3 nước, giá 2.4 triệu đồng là một trong những giải pháp giúp người dân trữ nước ngọt trong mùa hạn mặn.

Còn trước mắt, hơn hai mươi triệu dân vùng sông nước đối diện "chết khát" khi hạn mặn đang càn quét khắp nơi. Tại "rốn mặn" Bến Tre, hồ trữ nước Kênh Lấp (Ba Tri), trữ lượng một triệu m3, tổng vốn 85 tỷ đồng sau 6 tháng đưa vào sử dụng cũng bị nhiễm mặn. Người dân phải dùng xe hoặc sà lan đi vài chục km chở nước ngọt, giá mỗi khối cao gấp 10 lần ngày thường. Hơn 4.500 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị nhiễm mặn, chết héo, nhiều nông dân phải cắt cho bò, dê ăn.

Chính quyền địa phương đã có rất nhiều nỗ lực để hỗ trợ người dân. Họ đã cho lập các nhóm trên mạng để chia sẻ thông tin kịp thời về độ mặn tại các nơi và hiện nay, các ủy ban xã cũng đã có máy đo độ mặn. Địa phương cũng đã có các túi chứa nước ngọt dự trữ với giá thành 2.4 triệu đồng/túi dung tích 15m3. Các túi này giúp hạn chế thoát hơi nước và rất hữu ích với những hộ sản xuất nhỏ.

Tình hình hiện tại thật là tiến thoái lưỡng nan cho nông dân, một chủ vườn cho biết, với diện tích 1.8 hecta, mỗi ngày phải chi 3 triệu đồng mua nước tưới, nếu tình trạng kéo tới tháng 4 thì chủ chết trước đám cây!

Ai cũng biết cái hạn này là do hàng loạt công trình thủy điện tại thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu gây nên. Vào ngày 20/2, Trung Quốc tuyên bố sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn. Tuy nhiên chúng ta không thể bị động ứng phó với hạn mặn hàng năm như vậy được.

Đồng bằng sông Cửu Long cần xây bao nhiêu công trình, cần tốn bao nhiêu tiền nữa để giữ nước ngọt và chống nước mặn? Liệu còn giải pháp nào cho người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn?

AN LY (t/h)

Vụ sản xuất, tiêu thụ hơn 2 triệu lít xăng giả: Khám xét công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu

Vụ sản xuất, tiêu thụ hơn 2 triệu lít xăng giả: Khám xét công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu

Liên quan đến vụ án làm giả, tiêu thụ hơn 2 triệu lít xăng dầu, ngày 21/10, cơ quan điều tra đã phong tỏa, khám xét công ty xăng dầu lớn nhất tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.