Kể từ khi các tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học tiếp hai tuần do ảnh hưởng dịch corona, trên mạng xã hội, các diễn đàn giáo viên, diễn đàn việc làm, các hội nhóm... rất nhiều người đăng thông báo tìm việc làm với giới thiệu: Giáo viên tạm "thất nghiệp", cần kiếm việc làm...
Nhiều nhất là từ nhóm giáo viên các trường tư, các nhóm lớp, các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm ngoại ngữ, dạy kỹ năng... Các thầy các cô chia sẻ rằng, nghề giáo không còn được gọi là nghề “nghèo nhưng ổn định” nữa. Họ thật sự đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp nếu chủ trường không trụ nổi cơn khó khăn này.
Hiện tại trong ngành giáo dục, khó khăn lớn nhất có lẽ là hệ thống trường tư thục, các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm ngoại ngữ, dạy kỹ năng... |
Chủ trường mầm non tư thục Đô Rê Mi, thị xã Dĩ An, Bình Dương mới đây cũng đã đau đớn khi ra quyết định giảm biên chế, thôi việc 1/3 giáo viên và các vị trí vòng ngoài tại trường trước tình hình nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh Covid-19.
Để đi đến thông báo trên, cô đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều. Cuối cùng, phương án của cô là "Tôi không muốn tước đi cơ hội tìm được công việc có thu nhập cao hơn của các bạn trong thời điểm này".
Nhiều giáo viên nhắn tin chia sẻ với khó khăn của cô, cảm ơn cách cô giải quyết trong lúc này. Một số cô giáo trong danh sách cắt giảm hẹn, nếu khi trường hoạt động trở lại, vẫn mong muốn là một thành viên của trường.
Một cô giáo mầm non tại TPHCM giữ trẻ tại gia đình đợt nghỉ học vì dịch bệnh. |
Một giáo viên dạy hợp đồng môn tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ M. cho biết: “Lương của tôi trường trả theo giờ dạy, bây giờ dạy 0 giờ thì thu nhập là 0 đồng”. Tiền nhà trọ vẫn phải trả, cơm vẫn phải ăn, mà không có việc làm thì không thu nhập. Nhiều giáo viên không ngần ngại mời chào phụ huynh cho con em học thêm, học nhóm, dạy kèm tại nhà, dù hoạt động này ngành giáo dục đã ra văn bản cấm để đảm bảo việc phòng dịch.
Cô Lê Ngọc S., dạy trường công lập nhưng diện hợp đồng cho biết, nghỉ dạy, có thể cô sẽ không có lương hoặc có thì chỉ một phần rất ít. Cô S. phải nhận pha cà phê, làm đồ ăn sáng cho một tiệm của người quen, ngoài ra cô bán thêm hàng mỹ phẩm online. Trước mắt cũng tạm ổn.
"Kiếm một việc tạm thời có thu nhập không phải là quá khó. Nhưng có nhiều cô giáo mang tâm lý ngại ngần, chưa kể nhiều cô gắn bó với công việc dạy học, yêu trẻ nên rất nhớ trường, nhớ lớp", cô S. nói thêm.
Hai vợ chồng giáo viên ở Nha Trang bán hàu nướng kiếm thu nhập giữa mùa dịch. |
Nhạy bén với tình hình, một số giáo viên có kết nối phụ huynh nhận giữ trẻ tại trong lúc này với mức thu nhập thỏa thuận.
Cô N.T.T., giáo viên mầm non một trường tư thục ở Gò Vấp cho biết, ngay sau Tết, tuần đầu tiên thông báo nghỉ học, cô được một phụ huynh nhờ giữ hai bé, trong đó một bé là học sinh của cô, để họ đi làm. Hàng ngày cô đến nhà phụ huynh, lo chuyện ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi cho hai bé.
Hiện tại trường nghỉ học nên cô cũng như các đồng nghiệp khác không biết có lương hay không, trường chưa có thông báo chính thức. Tuy nhiên, cô T. nói: "Hầu hết ở trường là giáo viên trẻ ở các tỉnh. Tháng nào cũng phải lo chi phí nhà trọ, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt... chứ không dư dả nên các cô phải tự tìm cách để có nguồn thu nhập".
Ngoài cô, nhiều đồng nghiệp ở trường cũng nhận đến tại nhà phụ huynh giữ trẻ như cô T.
Tuy nhiên, không hẳn giáo viên nào cũng tìm được việc làm thêm trong đợt nghỉ đúng chuyên môn chăm sóc trẻ.
Mất thu nhập, nhiều giáo viên đành chọn việc bán hàng online, thậm chí đi giao hàng để kiếm sống (Ảnh minh hoạ) |
Cô Trần Ánh Mai (nhân vật yêu cầu đổi tên), giáo viên tại một trường mầm non tư ở quận 1 cho hay, khi có thông báo tiếp tục nghỉ hết tháng 2, có thể nghỉ luôn tháng 3 thì cô đã tự tìm công việc cho mình. Cô thử liên hệ phụ huynh xin giữ trẻ, nhưng không được cô thử tìm một vài công việc thời vụ khác.
"Giáo viên mầm non thu nhập thấp, tháng nào hết tháng đó. Nên khi gặp sự cố, không có thu nhập là khó khăn ngay luôn", cô Mai cho hay.
Đồng nghiệp của cô Mai, dạy tại một trường học đóng trong một chung cư, nơi nhu cầu về giúp việc nhà rất lớn, lại dễ kiếm việc. Một số cô giúp việc nhà theo giờ, ngày 2-3 ca, mỗi ca tầm 2 tiếng, mỗi tiếng khoảng 50.000 - 60.000 đồng, các cô hay nói đùa là thu nhập cao hơn đi dạy.
"Quả là những ngày khó khăn khi giáo viên phải lao ra ngoài kiếm sống, bán hàng online, giao hàng, môi giới dịch vụ… chẳng nghề nào là kém cao quý. Cứ có thu nhập và hợp pháp thì mình làm, đừng kêu gọi mở trường hay cố lập nhóm dạy thêm mà mang tiếng, thầy cô nhé”, sau lời dặn dò của một giáo viên luống tuổi, nhiều khóe mắt bỗng cay cay…
Vệ sinh điện thoại giúp ngăn chặn virus corona tốt hơn đeo khẩu trang
Điện thoại được sử dụng với tần suất rất lớn, nhiều người thường đưa vào nhà vệ sinh, đưa lên sát mặt, điều này khiến virus dễ dàng xâm nhập hơn.