Món ăn ngon được yêu thích vào mùa lạnh nhưng là "đại kỵ" với những người này

Lẩu là món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt là trời lạnh tuy nhiên không phải ai ăn lẩu cũng tốt.

Người vừa phẫu thuật đường tiêu hóa

Sau khi phẫu thuật đường tiêu hóa, hệ tiêu hóa cần thời gian để phục hồi. Việc ăn lẩu trong giai đoạn này có thể gây kích ứng, làm chậm quá trình hồi phục và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, những người vừa phẫu thuật nên kiêng ăn lẩu trong một thời gian sau phẫu thuật.

Người bị gout

Đối với người bị bệnh gout, việc ăn lẩu, đặc biệt là lẩu hải sản, là điều cần tránh. Hải sản, nội tạng động vật và các nước dùng đậm đặc từ xương chứa nhiều purin. Khi vào cơ thể, purin sẽ chuyển hóa thành acid uric, làm tăng nguy cơ hình thành tinh thể urat tại các khớp, gây cơn gút cấp và các triệu chứng viêm khớp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người mắc bệnh dạ dày

Các món lẩu cay, chẳng hạn như lẩu kim chi, lẩu Thái hay lẩu gà ớt hiểm, có thể rất ngon nhưng lại không phù hợp với những người bị bệnh dạ dày. Những gia vị cay và các thành phần như ớt hay sa tế có thể kích thích dạ dày, làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Người bị bệnh dạ dày nên tránh các loại lẩu cay, thay vào đó có thể chọn các món lẩu nhẹ nhàng, như lẩu nấm, để giảm thiểu kích thích cho dạ dày.

Người bị viêm đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích

Các gia vị cay nóng, dầu mỡ trong lẩu có thể kích thích ruột, gây co thắt, đau bụng hoặc tiêu chảy, làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Thêm vào đó, một số thực phẩm như hải sản, nấm, và rau củ thường được dùng trong lẩu có thể gây khó tiêu hoặc dị ứng, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.

Người bị bệnh tim mạch và huyết áp cao

Người mắc bệnh tim mạch và huyết áp cao cần chú ý khi ăn lẩu. Lẩu thường chứa nhiều muối và gia vị, có thể làm tăng huyết áp, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, các món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ trong lẩu còn làm tăng cholesterol xấu, gây xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Người mắc bệnh gan

Người bị bệnh gan, đặc biệt là viêm gan hoặc xơ gan, cần tránh ăn lẩu. Các món lẩu chứa thực phẩm khó tiêu và gia vị chế biến sẵn có thể làm tăng gánh nặng cho gan, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, việc uống rượu, bia khi ăn lẩu sẽ làm tổn thương gan và tăng nguy cơ viêm gan, xơ gan.

Trẻ em dưới 5 tuổi

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, không nên ăn lẩu vì hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, dễ bị kích ứng bởi gia vị cay nóng và dầu mỡ trong lẩu, gây đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, nước lẩu nóng có thể gây bỏng hoặc nguy hiểm nếu trẻ ăn phải thực phẩm dễ hóc.

Một số lưu ý khi ăn lẩu

An toàn thực phẩm: Trong khi ăn lẩu, chúng ta thường ăn các loại thịt sống, cá sống, và rau sống. Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, cần nấu sôi tất cả thực phẩm trong nồi lẩu trước khi ăn.

Tránh ăn khi thức ăn quá nóng: Để tránh tổn thương cho niêm mạc miệng và thực quản, không nên ăn lẩu khi thức ăn quá nóng.

Không ăn lẩu quá lâu: Ăn lẩu quá lâu có thể khiến các dịch tiêu hóa như dịch dạ dày, mật, tụy hoạt động không bình thường, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Không tái sử dụng nước lẩu: Nước dùng lẩu sau khi chế biến xong nên được dùng ngay. Tuyệt đối không nên sử dụng lại nước lẩu đã để qua đêm.

Kiểm soát nguyên liệu trong nồi lẩu: Để tránh mùi vị hỗn tạp và nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, không nên cho quá nhiều nguyên liệu vào nồi lẩu cùng lúc. Hãy để thực phẩm được chín tới mức vừa phải, tránh cho thực phẩm quá sống hoặc quá chín.

PV

Lẩu kim chi bò món ngon khó cưỡng cho ngày đông

Lẩu kim chi bò món ngon khó cưỡng cho ngày đông

Lẩu kim chi bò là món ăn quen thuộc và được nhiều người yêu thích bởi vị chua cay đặc trưng của kim chi kết hợp với thịt bò mềm ngọt.