NATO bắt đầu 'sờ gáy' Trung Quốc

Trong quá trình xây dựng chiến lược mới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thể không tính đến những thay đổi trong cán cân quyền lực và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

NATO có kế hoạch mở rộng đối thoại và hợp tác với “các quốc gia dân chủ” trên thế giới với mục tiêu bảo vệ trật tự được cho là đang bị Nga và Trung Quốc đe dọa phá hoại. Vì vậy, NATO cần tăng cường sức mạnh chính trị để đối phó với cả Nga lẫn Trung Quốc. Đây là những đề xuất vừa được thảo luận tại cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO diễn ra trong 2 ngày 17-18/2.

Đây là lần đầu tiên chính sách của NATO đề cập đến vấn đề Trung Quốc gia tăng vai trò toàn cầu và đưa ra thảo luận tại một cuộc họp như thế này.

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với những biến động trong cán cân quyền lực trên thế giới và thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu đang buộc NATO phải sửa đổi khái niệm chiến lược của mình.

nato-secretary-general-jens-stoltenberg.jpg
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên, ông Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên liên minh tăng cường sức mạnh chính trị thông qua đối thoại với các đối tác nhằm đối trọng Nga và Trung Quốc.

Ông Stoltenberg cũng chỉ ra sự cần thiết phải mở rộng hợp tác với “tất cả các quốc gia có cùng chí hướng với NATO trên toàn thế giới nhằm đối đầu với những ai không chia sẻ giá trị của chúng ta, tức là các nước như Nga và Trung Quốc”.

Ý tưởng về chính sách đối phó với Trung Quốc của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tương đồng với luận điểm được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trình bày trước đó. Chủ nhân Lầu Năm Góc gọi “Trung Quốc đang trỗi dậy” là một trong các mối đe dọa và thách thức mà NATO đang phải đối mặt.

Ông Lloyd Austin hoan nghênh việc các đồng minh NATO của Mỹ đã nhận thức được rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và chính sách đối ngoại của nước này đặt ra thách thức đối với nền an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị Alexei Mukhin nhận định: “Mỹ đã tiến hành cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc trong một thời gian dài. Rõ ràng, bước logic tiếp theo sẽ là những áp lực trên khía cạnh quân sự và chính trị.

Hồi chuông báo động đã vang lên khi Trung Quốc xuất hiện trong học thuyết quân sự của Mỹ với tư cách là kẻ thù chính yếu. Do đó, kết quả cuộc họp cấp bộ trưởng NATO không hề đáng ngạc nhiên”.

Nhà phân tích chính trị Alexei Mukhin dự đoán rằng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới, NATO sẽ đáp trả bằng các động thái tương tự như những biện pháp mà các nước thành viên áp dụng đối với Nga.

Ông nói: “Các biện pháp tương tự sẽ được thực hiện đối với Trung Quốc. Chẳng hạn, các nước thành viên NATO sẽ mở rộng sự hiện diện về mặt quân sự áp sát ranh giới biển của Trung Quốc. Đó có thể là căn cứ quân sự, hoặc triển khai các lực lượng hải quân đồn trú thường trực tại các vùng biển này. Mô hình từng được áp dụng đối với Nga như buộc một số nước láng giềng (các nước vùng Baltic, Ukraine) phải hành xử mạnh mẽ chống Nga, bây giờ có thể sẽ được sử dụng để chống Trung Quốc…

Xét từ góc độ này, người ta cần phân tích xem những nước láng giềng nào của Trung Quốc đang hoặc sẽ phụ thuộc vào Mỹ, và có thể hỗ trợ Mỹ ở mức độ nào. Điều đáng nói ở đây chính là thực tế Ukraine và các nước Baltic ngày nay đều đang đối mặt với những áp lực kinh tế-xã hội khủng khiếp do các chính sách thân Mỹ mà họ theo đuổi”.

NATO đã tiến gần biên giới của Nga và rất có thể điều tương tự cũng sẽ diễn ra với Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh không thể không đáp trả những thách thức như vậy từ phương Tây.

Theo ông Mukhin, để làm được điều này, Trung Quốc và Nga cần phải tăng cường hợp tác chính trị-quân sự, đặc biệt là tương tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng với tư cách là các quốc gia có chủ quyền, Nga và Trung Quốc đều cần có học thuyết phòng thủ riêng của mình.

(Nguồn: TTXVN)


CHẤN HƯNG