Nên gỡ dần trần tín dụng và nới lỏng trần lãi suất ngân hàng?

Việc xếp hàng chờ nới room và cơ chế trần tín dụng đã được áp dụng từ năm 2012 trong bối cảnh nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay khiến nợ xấu tăng mạnh. Đây là một trong những chính sách nhằm để điều tiết hướng đi của dòng tiền, kiểm soát chất lượng tín dụng.

NHNN luôn đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu ở mức thấp, sau đó sẽ mở rộng hạn mức dựa trên tình trạng tài chính của ngân hàng và kết quả xử lý nợ xấu.

Cũng chính bởi việc áp trần tín dụng không phải là thông lệ quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, nên thận trọng khi xem hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc phân bổ hạn mức tín dụng thấp ban đầu với khả năng điều chỉnh sau này có thể là một công cụ phù hợp trong nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô. Ngay từ tháng Tư, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế giải ngân vì đã tiệm cận hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao như MSB, MB, Sacombank... Hiện đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại đã gửi đề nghị xin Ngân hàng Nhà nước sớm nới “room”.

Theo nhận định của một số tổ thức quốc tế, mới đây nhất như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. Hãng xếp hạng Moody's cũng đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi. Còn theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng theo quý cho thấy sự linh hoạt phù hợp trong điều hành và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài việc kiểm soát bằng "room" tín dụng có thể dần bỏ đi khi cơ chế này đang dần không còn phù hợp.

Hiện tại, yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, muốn ổn định vĩ mô thì trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Và hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ để Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường tiền tệ. Hạn mức tín dụng vốn được coi như một công cụ có tính chất hành chính nhưng vẫn đảm bảo được tính thị trường. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, hội thảo thì đa số ý kiến đều cho rằng việc đặt hạn mức tín dụng vẫn rất cần thiết đối với Việt Nam. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam đang dựa chủ yếu vào tín dụng (khoảng 140% GDP). Nếu thử để tín dụng tăng 1 năm tăng vài chục phần trăm mà chất lượng tín dụng không đảm bảo thì nợ xấu sẽ dâng lên không thể lường được, và bất ổn vĩ mô xuất hiện ngay.Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm vừa bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát thông qua số lượng, chất lượng tín dụng tăng lên hàng ngày.

 

Trong những ngày cuối tháng 6, các ngân hàng lại ngóng chờ kết quả nới "room" từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là lần xem xét cấp hạn mức tín dụng thứ hai trong năm 2021 và theo cho biết từ NHNN thì đã có hơn 10 tổ chức tín dụng nộp đơn xin nới room. Về dài hạn, các chuyên gia đánh giá rằng NHNN có thể kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ khác như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn,... thay vì sử dụng áp trần tín dụng.

Tháng 4/2020, cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên để chống Covid-19. Tác động của đại dịch khi đó còn khá mới mẻ, nhưng một loạt quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng phản ứng bằng hướng nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Một số tổ chức quốc tế khi đó cũng khuyến nghị Việt Nam cần chú ý yếu tố đầu tiên đối với hệ thống ngân hàng là thanh khoản, khi dòng tiền cũng bị “giãn cách” do hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh gián đoạn, đứt gãy… Và thực tế Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng đảo chiều điều tiết.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao xong chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn tổng thể các năm trước. Trong khi đó, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm. Vì vậy, số ngân hàng sắp cạn “room” tín dụng năm nay xuất hiện nhiều hơn và sớm hơn những năm trước.

Làm thế nào để đường dẫn tín dụng vừa đúng mục tiêu, vừa không bó chân các ngân hàng là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước phải cân đong đo đếm.

Tĩnh Kiên