Trong tuần (5/7-9/7), lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 9/7 các mức lãi suất giao dịch qua đêm ở mức 1,0% (giảm 0,12 điểm phần trăm); 1 tuần: 1,11% (giảm 0,21 điểm phần trăm); 2 tuần: 1,25% (giảm 0,16 điểm phần trăm) và 1 tháng là 1,41% (giảm 0,12 điểm phần trăm).
Đợt bơm tiền với quy mô đáng chú ý gần nhất là tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 với mức bơm ròng 11.060 tỷ đồng. Trong một diễn biến liên quan, cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, các ngân hàng cũng tích cực vay mượn nhau. Doanh số trên liên ngân hàng thời gian gần đây liên tục tăng nhanh và tập trung chủ yếu tại kỳ hạn qua đêm. Quay lại với diễn biến tuần trước, trái với VND, lãi suất USD chỉ biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần ở mức qua đêm 0,15% (không đổi); 1 tuần 0,18% (giảm 0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 0,23% (giảm 0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 0,32% (giảm 0,01 điểm phần trăm).
Tỷ giá cũng ít biến động. Giá USD trên liên ngân hàng đóng của tuần tại 23.005 VND, chỉ tăng 1 VND so với tuần trước. Giá USD tự do là 23.250 – 23.300 VND, tương ứng chiều mua vào – bán ra. Cũng trong tuần trước, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.553/7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công 850/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ lần lượt 3.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.203/1.500 tỷ đồng. Tính chung đến nay, Kho bạc Nhà nước mới huy động được 40% chỉ tiêu cả năm.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 53 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở. Bên cạnh đó, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 1/2021 đã bắt đầu được thực hiện giúp nguồn cung VND trên liên ngân hàng dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng giảm 17– 22 bps, chốt tuần ở mức 0,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,13% với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ duy trì ở mức thấp khi lượng tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục về nhiều hơn trong thời gian tới. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD trong quý 3/2021 do NHNN tiến hành, hầu hết các TCTD đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 của đơn vị mình so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước do tác động khó lường của dịch Covid-19. Tuy vậy, nhu cầu vay vốn vẫn được dự báo là tăng cao hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Cụ thể, các TCTD kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và huy động trong năm 2021 lần lượt là 13,1% và 11,9% so với đầu năm. Gần đây, lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng có diễn biến trái chiều khi một số ngân hàng tăng (Vietcombank, VIB, SHB) nhưng một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ (VPBank, Exximbank) khoảng 10-20 điểm phần trăm.
Mặc dù mặt bằng lãi suất thấp được hỗ trợ bởi định hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp sẽ tạo sức ép khiến lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ nửa cuối năm 2021.
Tĩnh Kiên