Nghị định 117 sắp tới có gì để ổn định bất động sản?

Trong Nghị định sửa đổi Nghị định 117 sắp tới sẽ có những quy định dành cho các địa phương cung cấp thông tin liên thông từ địa phương lên Bộ được kịp thời và chính xác hơn. Nghị định sắp tới sẽ Quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để ngăn chặn “sốt” đất ảo.

Ngoài ra điểm đáng chú ý của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản là tối thiểu sẽ có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán...

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, thực tế, Nghị định 117 đã ban hành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có nhiều thông tin rất khó cập nhật, phức tạp... Vì vậy sửa đổi Nghị định 117 là giải pháp cấp thiết để đơn giản hóa thông tin, cập nhật thông tin cần thiết, trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định còn nhằm mục đích cung cấp thông tin một cách cơ bản, kịp thời, chính thống không chỉ trong cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương đến Trung ương mà còn cung cấp thông tin cho khách hàng, người dân những thông tin liên thông thị trường.

Hiện, Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ trong tháng 12/2021. Với quyết tâm của Chính phủ, dự kiến trong 1-2 tháng tới có thể ban hành. Sau khi ban hành, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức tập huấn để triển khai hệ thống thông tin tại địa phương.

Thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp người dân thiếu thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án đang hoặc chuẩn bị triển khai dẫn đến tình trạng bị “cò đất” cố tình “thổi giá” để trục lợi. Với các chiêu trò hết sức tinh vi, các “cò đất” khiến thị trường càng thêm nhiễu loạn.

Theo anh Hùng là người có nhiều năm kinh nghiệm với thị trường bất động sản, khi mạng xã hội phát triển thì việc thổi giá, kích thị trường càng trở nên dễ dàng. Bài mà các "cò” thường làm là quay clip giao nhận tiền, viết hợp đồng mua bán, đặt cọc tại các quán cà phê, nhà dân... để đăng lên tài khoản mạng xã hội của chính cá nhân "cò” và tiếp thị với các khách hàng mới là vừa có anh A, chị B đặt cọc mua lô XYZ...

Cao thủ hơn, "cò” còn dùng các clip nhận tiền tỷ mà không cần hợp đồng, ký tên. Thay vào đó họ quay clip, nói vài câu để làm tin và cho khách hàng tiềm năng xem. Mục đích là để khách rơi vào tâm lý đang có "sốt đất" nên người mua không cần hợp đồng, hoặc "người ta xuống tiền tỷ còn đơn giản như vậy huống gì của mình chỉ mới đặt cọc có vài trăm". Trên thực tế, khách hàng đâu có hiểu đó là những chiêu thức bán hàng đã tạo thành quy chuẩn để "cò” thực hiện. Căn cứ vào tình hình như trên thì Nghị định sửa đổi lần này chính là công cụ hiệu quả giúp minh bạch thông tin và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin chính xác về quy hoạch, tránh bị lôi kéo vào các cơn “sốt đất ảo”.

Tổng Hợp