Nghiên cứu: Cứ 10 người thì có 6 người mang theo điện thoại khi đi vệ sinh

Có một sự thật ít ai để ý rằng điện thoại di động là món đồ luôn theo bạn hàng ngày và tiếp xúc với tay chúng ta nhiều nhất nhưng thêm một lần nữa, nghiên cứu mới nhất tiếp tục chứng minh nó còn dơ bẩn và nhiều vi khuẩn hơn nhà vệ sinh.

Nếu mọi người được yêu cầu kể tên một thiết bị mà họ không thể thiếu hàng ngày thì câu trả lời phổ biến nhất có thể là điện thoại thông minh của họ. 

Từ duyệt internet đến trả lời email công việc, nói chuyện với bạn bè và hơn thế nữa, điện thoại thông minh cho phép chúng ta làm được nhiều việc chỉ với một vài thao tác.

Thế nhưng ít ai biết rằng, điện thoại thông minh mà chúng ta sử dụng hàng ngày còn bẩn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều có thói quen sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh và thói quen này cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể khiến cho màn hình điện thoại của bạn còn bẩn hơn cả chiếc bồn cầu mà bạn đang dùng - là một nghiên cứu vừa được tìm thấy.

Nghiên cứu: Cứ 10 người thì có 6 người mang theo điện thoại khi đi vệ sinh - Ảnh 1.

Theo một nghiên cứu của NordVPN, cứ 10 người thì có 6 người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, mang điện thoại của họ vào nhà vệ sinh khi họ tiếp tục công việc hoặc thú vui giải trí của mình. 61.6% người tham gia nghiên cứu thừa nhận đã kiểm tra các tài khoản mạng xã hội của họ như Facebook, Twitter và Instagram khi đang ngồi trên bồn cầu.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng trong khi 33.9% số người được hỏi nói rằng họ cập nhật các vấn đề thông tin thời sự bằng cách sử dụng điện thoại thông minh trong phòng vệ sinh, thì 24.5% số người được hỏi nói rằng họ sử dụng thời gian đó để nhắn tin hoặc thậm chí gọi điện cho những người thân yêu của mình.

Mặc dù thói quen này có vẻ vô hại nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn. Tiến sĩ Hugh Hayden, một chuyên gia kiểm soát lây nhiễm, trong một cuộc trò chuyện với Yahoo Life UK, đã nhấn mạnh rằng điện thoại thông minh có thể chứa nhiều vi khuẩn gấp 10 lần so với bồn cầu. Đặc biệt, màn hình cảm ứng được coi là "con muỗi của thời đại kỹ thuật số" do khả năng mang bệnh truyền nhiễm của chúng.

Nghiên cứu: Cứ 10 người thì có 6 người mang theo điện thoại khi đi vệ sinh - Ảnh 2.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm, hãy luôn vệ sinh điện thoại của bạn bằng cách sử dụng khăn ẩm hoặc khử trùng.

Nguy cơ lây nhiễm chéo cao khi các cá nhân chạm vào các bề mặt dùng chung và sau đó sử dụng điện thoại thông minh của họ mà không vệ sinh đúng cách. Vi khuẩn và mầm bệnh có trên bệ ngồi toilet có thể dễ dàng chuyển sang bề mặt điện thoại, trở thành nguồn lây nhiễm.

Những vi khuẩn có hại này sau đó có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc với miệng, mắt hoặc mũi. Tiến sĩ Hayden cho biết: "Khi chúng ta chạm vào các bề mặt dùng chung, sau đó sử dụng màn hình điện thoại thông minh của mình, sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo, chính điện thoại sẽ trở thành nguồn lây nhiễm".

Theo báo cáo của Yahoo Like UK, vi khuẩn có thể tồn tại trên màn hình điện thoại di động tới 28 ngày, khiến chúng trở thành nơi sinh sản tiềm năng của mầm bệnh. Báo cáo nói thêm rằng theo các tài liệu nghiên cứu trước đây, một số mầm bệnh phổ biến nhất được tìm thấy trên điện thoại di động là Staphylococcus. Những mầm bệnh này có thể gây ra các biến chứng sức khỏe khác nhau, từ nhiễm trùng đường tiết niệu đến nhiễm trùng đường hô hấp và da.

Vì vậy, việc sử dụng điện thoại thông minh trong nhà vệ sinh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn và bạn phải ưu tiên vệ sinh hơn là giải trí trong nhà vệ sinh. Vi khuẩn và mầm bệnh có thể tồn tại trên màn hình điện thoại và xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc với miệng, mắt hoặc mũi, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm, hãy luôn vệ sinh điện thoại của bạn bằng cách sử dụng khăn ẩm hoặc khử trùng diệt khuẩn thích hợp. Ngoài ra, hãy tránh mang điện thoại vào nhà vệ sinh và tạo một thói quen sử dụng điện thoại tích cực để tránh bị ảnh hưởng tới sức khoẻ bởi chính món đồ theo bạn hàng ngày.

(Nguồn: India Today)

LAN ANH