Theo thông tin từ cơ quan công an, bà Trần Uyên Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các "hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" được công chứng viên chứng nhận, vào sổ công chứng tại Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ, quận 5, TP.HCM ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất.
Hành vi này gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 5,48 tỷ đồng.
Được biết bà Trần Uyên Phương sinh năm 1981. Năm 19 tuổi, bà Trần Uyên Phương bắt đầu theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Singapore.
Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp, bà trở về làm việc cho công ty của gia đình. Hiện nay, bà giữ chức vụ phó Tổng giám đốc của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát.
Tại Tập đoàn, bà Trần Uyên Phương chịu trách nhiệm về các mảng tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng, và các chương trình CSR trên toàn quốc. Bà Trần Uyên Phương cũng quản lý các chương trình tiếp thị sản phẩm của Tân Hiệp Phát trên 16 quốc gia.
Bà Trần Uyên Phương là thành viên của tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ – YPO (Young Presidents Organization). Ngoài ra, bà cũng là Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TP.HCM (nhiệm kì 08/2018 – 07/2019).
Bà Trần Uyên Phương cũng là người Việt Nam đầu tiên được Forbes chọn xuất bản sách với cuốn "Competing with Giants" (Vượt lên người khổng lồ) vào tháng 8/2018.
Trong lĩnh vực bất động sản, bà Uyên Phương là người có nhiều thành tích nổi bật khi trong thời gian ngắn, hàng loạt công ty bất động sản liên tục được Tân Hiệp Phát thành lập như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh; CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng; Công ty TNHH Number One Quang Vinh; Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC; Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh.
Trong năm 2019, gia đình ông Thanh gây xôn xao dư luận khi thành lập một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Không những vậy, nhiều thông tin cho rằng gia đình bà Phương Uyên đã âm thầm mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, TP HCM, Vũng Tàu.
Tháng 2/2020, bà Trần Uyên Phương, gây đình đám khi mua lại gần 6,76 triệu cổ phiếu YEG, qua đó sở hữu 21,61% vốn của CTCP Tập đoàn Yeah1. Tuy nhiên sau đó bà đã thoái vốn cắt lỗ.
Ngoài ra, bà Uyên Phương cũng dính liếu tới nhiều lùm xùm liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai liên quan đến CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh và nhiều cá nhân khác.
Vụ án này đã được cơ quan điều tra khởi tố từ tháng 3/2021 để làm rõ những lùm xùm liên quan đến đơn tố cáo gia đình Tân Hiệp Phát.
Cụ thể, vụ án được khởi tố căn cứ vào đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh - cùng một số người khác tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP. HCM và Đồng Nai.
Theo đơn tố cáo, một số người trong gia đình ông Trần Quý Thanh cùng một số người liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho CTCP Đầu tư Phát triển Kim Oanh hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 12/2020, UBND TP.HCM nhận được đề nghị của Bộ Công an về việc ngăn chặn mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) và yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới 33 thửa đất tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên.
Còn tại Đồng Nai, theo yêu cầu của Bộ Công an, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành và UBND huyện Long Thành giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động đối với Công ty cổ phần bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành (do Công ty bất động sản Minh Thành Đồng Nai làm chủ đầu tư).
Về tình hình kinh doanh của Tân Hiệp Phát: Theo số liệu kinh doanh của nhóm các công ty Tân Hiệp Phát, doanh thu giai đoạn 2014-2017 đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014-2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019. Doanh thu Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Suntory Pepsi, nhưng lợi nhuận lại bỏ xa cả 2 đối thủ nhờ tỷ suất sinh lời vượt trội.
Sở dĩ gọi là nhóm các công ty Tân Hiệp Phát, bởi Tân Hiệp Phát không có một công ty đứng đầu để quản lý tất cả các nhà máy, mà mỗi nhà máy lại do một công ty sở hữu và người quản lý các công ty này là người nhà của Chủ tịch Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh. Do phân chia như vậy, các công ty của Tân Hiệp Phát không hợp nhất kết quả về một mối.
Điểm đặc biệt của Tân Hiệp Phát là tỷ suất sinh lời cao và lợi nhuận ngay lập tức được rút về cho các thành viên trong gia đình. Đây là cơ sở để gia đình ông Trần Quý Thanh mở rộng đầu tư sang các mảng kinh doanh khác.