Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vai trò của việc tự giác cách ly và khai báo y tế, cũng như giám sát cách ly khi có triệu chứng bệnh, hoặc đi/ đến từ vùng dịch có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Mới đây trong cuộc họp sáng ngày 11/3 về phòng chống Covid-19, Ban chỉ đạo đã thống nhất tiếp tục chủ trương cách ly tập trung 14 ngày với người đi qua, trở về từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với bệnh nhân... Tuy nhiên các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.
Ban chỉ đạo cho biết Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn việc này theo hướng, người đang cách ly tập trung, sau 3 ngày đã xét nghiệm âm tính có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ; đồng thời lập hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương được giao trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà.
Tính đến 20h ngày 11/3, Việt Nam ghi nhận 39 ca mắc Covid - 19, trong đó 16 trường hợp điều trị khỏi, được xuất viện. 19 trường hợp còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trong số các bệnh nhân mới có 11 du khách nước ngoài đến trên chuyến bay VN54 hạ cánh tại Hà Nội, sau đó di chuyển đến nhiều nơi như Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ là gần 25.000 người. Trong đó, hơn 2.500 người cách ly tập trung tại bệnh viện, hơn 8.000 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và khoảng 14.000 người cách ly tại nhà và nơi cư trú.
Hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/người trong thời gian cách ly
Ngày 9/3, Sở Y tế Hà Nội đề nghị xem xét hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.