Người đàn ông sốt cao liên tục và hơn nửa lá phổi bị “ăn mất” chỉ vì 1 việc hầu hết chúng ta làm mỗi ngày

Ông Cương (Trung Quốc) không ngờ nguyên nhân khiến mình nhiễm trùng phổi, “thập tử nhất sinh” lại đến từ một lần dọn dẹp nhà cửa.

Một tháng trước, ông Cương (ngoài 50 tuổi) quyết định dọn dẹp lại căn nhà cũ của gia đình để làm nhà kho. Dọn nhà xong ông bỗng nhiên bị sốt cao và mệt mỏi. Lúc đầu nghĩ mình lao lực nên bị cảm, ông tự mua thuốc uống. Sau sáu ngày, ông Cương sốt đến trên 39 độ C kèm khó thở, tức ngực nghiêm trọng. Người nhà hoảng hốt đưa ông đến Bệnh viện Bình Dương số 2 (Ôn Châu, Trung Quốc) kiểm tra.

Ảnh chụp CT cho thấy một nửa phổi của ông Cương bị nấm Aspergillus
Ảnh chụp CT cho thấy một nửa phổi của ông Cương bị nấm Aspergillus "ăn mất" (Ảnh minh họa)

Tại đây, chụp CT cho thấy hơn một nửa lá phổi của ông Cương đã bị tổn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ nghi ngờ ông mắc bệnh viêm phổi kẽ và chuyển ông đến Trung tâm Chăm sóc Tim mạch tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Ôn Châu (Trung Quốc) để điều trị ngay lập tức. Tình trạng của ông trở nên xấu đi rất nhanh. Ông bị nhiễm trùng nặng ở cả hai phổi, phổi bị đông đặc, suy tim và phải thở máy.

Bác sĩ Tiền Lộ - người trực tiếp điều trị cho ông Cương kể lại: “Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ hô hấp nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện nhiều. Độ bão hòa oxy trong máu của chỉ đạt khoảng 89%, mức rất nguy hiểm. Muốn điều trị hiệu quả phải tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Để xác định nguyên nhân, chúng tôi đã thực hiện rửa phổi và phát hiện ra nấm Aspergillus, một loại nấm nguy hiểm có thể gây tử vong. Điều tra lối sống xác định bệnh nhân nhiễm nấm này khi dọn dẹp một căn nhà cũ trước đó 1 tuần mà không đeo khẩu trang”.

Nấm Aspergillus có ở đâu và ai dễ nhiễm phải?

Cũng theo bác sĩ Tiền Lộ giải thích, Aspergillus là loại nấm thường xuất hiện trong môi trường ẩm ướt, không sạch sẽ. Cụ thể như:

- Đất: Aspergillus sống trong đất, đặc biệt ở những khu vực có độ ẩm cao.

- Thực phẩm: Nấm này có thể xuất hiện trên các thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, và rau củ bị hư hỏng hoặc lên men.

- Không khí: Bào tử nấm Aspergillus có mặt trong không khí, đặc biệt ở các khu vực có độ ẩm cao.

- Nhà cửa: Nấm thường phát triển trong các khu vực ẩm ướt trong nhà, như nhà tắm, bếp, hoặc nơi có sự tích tụ của nước.

Nó có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Nấm Aspergillus nguy hiểm vì nó có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong.

“Nấm Aspergillus dễ gây nhiễm nhất ở người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người nhiễm HIV/AIDS, người hút thuốc, và những người sống trong môi trường ẩm ướt. Triệu chứng nhiễm nấm Aspergillus bao gồm sốt cao, ho, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, đổ mồ hôi ban đêm và sụt cân” - bác sĩ Tiền Lộ nhắc nhở.

Còn trong trường hợp của ông Cương, nấm Aspergillus đã xâm nhập vào phổi khi ông dọn dẹp nhà mà không đeo khẩu trang, từ đó gây viêm phổi và phá hủy hơn nửa lá phổi của ông. Điều đặc biệt là ông Cương cũng đã có tuổi, từng trải qua một ca phẫu thuật can thiệp mạch vành (PCI) làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này khiến cơ thể ông dễ bị tấn công bởi loại nấm nguy hiểm này. Khi nấm phát triển trong phổi, nó gây ra nhiễm trùng nặng, nhanh chóng tiến triển thành suy đa cơ quan.

May mắn thay, nhờ việc phát hiện sớm và điều trị kháng nấm kịp thời ông đã giữ được tính mạng. Sau 2 tuần điều trị, ông đã được cai máy thở và chuyển sang dùng ống thở oxy thông thường. Hiện tại đã qua 1 tháng và ông đang hồi phục tốt, tình trạng viêm phổi cũng đã giảm đi đáng kể.

Nấm Aspergillus có thể ẩn nấp ngay trong nhà, ở những nơi ẩm ướt và không sạch sẽ (Ảnh minh họa)
Nấm Aspergillus có thể ẩn nấp ngay trong nhà, ở những nơi ẩm ướt và không sạch sẽ (Ảnh minh họa)

Câu chuyện của ông Cương là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Dọn dẹp nhà cửa tưởng chừng như là việc đơn giản, nhưng nếu không cẩn thận, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Việc đeo khẩu trang và giữ vệ sinh trong khi dọn dẹp là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ bản thân. Nếu có các dấu hiệu khó chịu, sốt hay khó thở dai dẳng hãy tới bệnh viện càng sớm càng tốt!

Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor

Ngọc Ái

Lâu ngày không làm một việc tại nhà, người phụ nữ bị viêm phổi, suy đa tạng

Lâu ngày không làm một việc tại nhà, người phụ nữ bị viêm phổi, suy đa tạng

Một phụ nữ 32 tuổi bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi nặng, nhanh chóng chuyển biến xấu đến suy đa tạng.