Người dân sẽ mua sắm Tết dè dặt hơn

Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại hội thảo về những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho rằng, thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cuối năm sẽ khó khăn vì sức mua giảm.

Ông Tuấn cho biết thêm, mỗi năm Sông Hương Foods bán được 30 tỷ đồng cà pháo nhưng trong năm 2023 chỉ còn hơn một tỷ đồng mỗi tháng. Doanh thu thị trường trong nước giảm gấp 3 lần so với năm ngoái.

Để duy trì doanh thu trên 100 tỷ mỗi năm, công ty đã chuyển hướng phát triển thêm sản phẩm bánh cấp đông như bánh nậm, bánh lọc, bánh gai… để phục vụ cho người tiêu dùng xa quê trên khắp thế giới có thể thưởng thức hương vị quê nhà bên cạnh những dòng sản phẩm về mắm và cà pháo.

Chính hướng đi mới vào thị trường ngách này đã cứu được Sông Hương Foods trong năm 2023. Và đơn hàng Tết với bánh cấp đông tăng gấp 1,5 lần so với năm trước, ở mức 600.000 USD và có thể đạt mục tiêu đạt 1,5 triệu USD từ xuất khẩu loại sản phẩm này.

"Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc một doanh nghiệp tăng trưởng 50% là một điều xa xỉ nhưng đối tác đã đặt đơn hàng hơn gấp nhiều lần so với mọi năm là tín hiệu đáng vui mừng. Hiện công ty đang dồn lực cho các mặt hàng bánh cấp đông xuất khẩu trong dịp cuối năm", ông Tuấn chia sẻ.

Doanh nghiệp dự báo sức mua dịp Tết sẽ giảm mạnh - Ảnh 1.

Các chủ doanh nghiệp chia sẻ về thị trường cuối năm.

Nhận định thị trường cuối năm sẽ còn nhiều thách thức nên ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, quyết định không tăng giá sản phẩm mặc dù giá nguyên vật liệu để sản xuất hàng tiêu dùng như bột giặt nước rửa chén đều tăng 30% trong năm nay do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, chiến tranh dịch bệnh…

Theo ông Vinh, người dân đang siết chặt chi tiêu do đời sống kinh tế gặp khó khăn vậy nên rất khó để doanh nghiệp tăng giá. Trước tình hình này buộc công ty phải tận dụng tất cả các nguồn nguyên liệu dự trữ trước đó để giữ giá ổn định.

Tuy nhiên để kích cầu mua sắm cuối năm, doanh nghiệp sẽ tăng khuyến mãi để thu hút người mua. Ví dụ người mua bột giặt sẽ được tặng thau nhựa, đây là cách thức doanh nghiệp đồng hành cùng người tiêu dùng.

Còn ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc công ty CP Phúc Sinh, cho biết để phục vụ thị trường cuối năm, doanh nghiệp đã thiết kế, thay đổi mẫu mã để phù hợp phân khúc quà tết, và thu hút khách hàng.

Hiện tại mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn thành và công ty đã có kế hoạch triển khai sản phẩm Tết đến nhà phân phối đặc biệt là sản phẩm K Coffee.

Về phần giá cả, công ty cũng sẽ có những chương trình khuyến mãi và giảm giá tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mạnh mặt hàng xuất khẩu chế biến sâu như tiêu, cà phê đến nhiều nước trên thế giới.

Nhận định về thị trường cuối năm, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển Kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam dự báo xu hướng cao cấp sẽ chậm lại trong thời gian tới, khi dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu từ người tiêu dùng chưa thực sự rõ nét.

Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết, tuy nhiên sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Theo khảo sát của Công ty Kantar Việt Nam, mặc dù kinh tế trong nước có sự phục hồi nhẹ, nhưng người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập nên xu hướng tiêu dùng thay đổi nhiều.

Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Do đó, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, cần phải có chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân người dùng.

Doanh nghiệp sản xuất cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, để cùng với đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp đặc biệt là thị trường cuối năm.

VIÊN VIÊN