Người mua kỳ vọng giá bất động sản cuối năm hạ nhiệt

Bộ Xây dựng cho rằng giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Các chuyên gia nhấn mạnh, khó khăn ở thời điểm hiện nay cũng là lúc các doanh nghiệp bất động sản nhìn lại mình, nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, chú trọng phát triển phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực cũng như chi phí quản lý để làm giảm giá thành nhà ở.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng mới đây cho biết, với nhà ở thương mại thông thường, giá 30-45 triệu đồng/m2, mức giá hoàn toàn do thị trường quyết định; tuy nhiên vẫn có giải pháp là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian bất động sản.

Giải pháp nào để 'hạ nhiệt' giá nhà?

Theo số liệu của HoREA, hiện nay căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua. Còn tại Hà Nội, nhiều khu vực không phải nội đô một dự án giá cũng lên 40-50 triệu đồng/m2.

Thực tế không ít người giàu lên nhờ bất động sản, nhưng một điều đáng tiếc là đại đa số người dân với mức thu nhập hiện nay đều nhận thấy giấc mơ an cư là quá xa vời.

Điều đáng nói, suốt từ đầu năm đến nay, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn cứ leo thang. Tuy nhiên, theo khảo sát vẫn rất nhiều người kỳ vọng bất động sản sẽ có mức giá hạ nhiệt hơn vào cuối năm.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại lo ngại giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tăng như vấn đề về nguồn cung. Dự báo cho 3 tháng cuối năm thị trường bất động sản giá sẽ tăng khoảng 1,4% tại Hà Nội và giảm 2% tại TP. Hồ Chí Minh. Ở loại hình chung cư, nguồn cung được dự báo sẽ tăng thêm nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và tình hình kinh tế thuận lợi.

Hầu hết, giá bất động sản tại nhiều địa phương đều tăng trong năm 2020, duy có 4 tỉnh là Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang và Quảng Ninh có xu hướng đi xuống.

Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu bất động sản, giá nhà bình quân tại Việt Nam vẫn tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19. Chỉ có duy nhất 4 địa phương là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang và Quảng Ninh có giá BĐS giảm nhẹ.

Theo khảo sát, giá đất nền tại Đà Nẵng đã giảm 1 tỷ đồng/lô. Cụ thể, giá đất tại Khu đô thị (KĐT) Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân giảm từ 4 tỷ đồng, xuống còn 3 tỷ đồng/lô; một KĐT khác tại quận Cẩm Lệ cũng giảm 3 tỷ đồng/lô 90 m2, xuống còn 2 tỷ đồng/lô...

Còn tại Quảng Nam, khu vực vùng ven Hội An và thành phố Tam Kỳ, giá đất nền cũng giảm 30% so với thời điểm đạt “đỉnh” vào cuối năm 2018. Hiện tại, giá đất tại Hội An và Tam Kỳ dao động từ 40 - 60 triệu đồng/m2, tại các huyện là 17 - 20 triệu đồng/m2...

Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng, thị trường có diễn biến tương đối ảm đạm, giá bình quân bất động sản đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn 2016 - 2018, bất động sản Nha Trang liên tục tăng giá. Tuy nhiên, đến 2019 thị trường chững lại và kể từ đầu năm 2020 đến nay lượng giao dịch nhà đất tại thành phố Nha Trang là không đáng kể.

Cũng như TPHCM, trong khi người dân sinh sống ở Hà Nội đang chật vật, mưu sinh để kiếm tiền mua nhà ở thì nhiều nhà tái định cư lại đang dư thừa, thậm chí có hàng ngàn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án tái định cư cần điều chỉnh ngay các điểm bất hợp lý, đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, trên tổng số lượng giao dịch căn hộ toàn thị trường, căn hộ hạng C luôn chiếm ưu thế với hơn 60% và tỷ lệ hấp thụ ở mức cao hơn cả 2 hạng còn lại. Tình hình hoạt động tốt của hạng C có thể nhìn nhận từ các yếu tố tích cực của cả cầu (người mua) và cung (chủ đầu tư).

Về khía cạnh nguồn cầu, căn hộ hạng C có mức giá vừa túi tiền đáp ứng được nhóm có nhu cầu cao nhất; trong đó, đáng chú ý là nhóm gia đình trẻ cũng như giới tri thức trẻ thu nhập trung bình có nhu cầu ở thực.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)