Người tạo ra vaccine COVID-19 của BioNTech: Cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào mùa đông tới

Giáo sư Ugur Sahin, một trong những người tạo ra vắc xin Pfizer-BioNTech, khẳng định cuộc sống hàng ngày có thể trở lại bình thường vào mùa đông tới.

Giáo sư Ugur Sahin, đồng sáng lập và CEO của BioNTech, cho rằng vắc xin có thể làm giảm một nửa khả năng lây lan COVID-19, dẫn đến “giảm đáng kể” số trường hợp dương tính.

Kỳ vọng về vaccine Pfizer-BioNTech

Tuần trước, Pfizer và BioNTech công bố kết quả thử nghiệm vaccine ban đầu có hiệu quả lên đến 90% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 ở những người không có bằng chứng nhiễm bệnh trước đó. Khoảng 43.500 người đã tham gia các bài thử nghiệm này.

Hiệu quả của vaccine đã vượt ngoài mong đợi của các nhà khoa họa, khiến Chủ tịch kiêm CEO của Pfizer, Tiến sĩ Albert Bourla, phải tuyên bố rằng: “Một ngày tuyệt vời cho khoa học và nhân loại”.

Mọi người đều hy vọng một loại vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, vì nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,31 triệu người trên toàn thế giới.Tuy vẫn còn nhiều thách thức trước khi một loại vaccine có thể tung ra thị trường, nhưng tin tức này đã làm dấy lên kỳ vọng về một loại vắc xin có thể được chuyển giao trước cuối năm nay.

“Nếu mọi thứ tiếp tục suôn sẻ, chúng tôi sẽ bắt đầu cung cấp vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp hơn 300 triệu liều vaccine cho đến tháng 4 năm sau”, giáo sư Sahin nói với CNBC vào hôm 15/11.

Ugur Sahin, CEO của BioNTech. Ảnh: Andreas Arnold 
Ugur Sahin, CEO của BioNTech. Ảnh: Andreas Arnold 

Sahin cũng cho biết việc hoàn thành tiêm chủng ngừa trước mùa thu năm sau là “vô cùng cần thiết”.

“Tôi tự tin rằng điều này sẽ xảy ra, vì có một số công ty vaccine giúp chúng tôi tăng nguồn cung, để mọi người có thể có một mùa đông bình thường vào năm tới”, ông nói thêm.

Tuần trước, cố vấn về COVID-19 của Nhà Trắng, tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết mặc dù một loại vaccine đang được triển khai, nhưng nó có thể sẽ không đủ khả năng để tiêu diệt căn bệnh này.

Các bình luận được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở Châu Âu và châu Mỹ vẫn không có dấu hiệu chậm lại.

Trong khi đó, một số quốc gia ở Châu Âu đã thực hiện các đợt đóng cửa quốc gia để cố gắng hạn chế sự lây lan của COVID-19. Gần đây, một số bang của Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp y tế công cộng cứng rắn hơn khi tình trạng số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm COVID-19, với 246.217 trường hợp tử vong. Đây cũng là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 được báo cáo cao nhất trên toàn thế giới.

Theo đó, ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận ở bang Washington vào ngày 20/1. Đến ngày 9/11, số ca nhiễm đã vượt 10 triệu ca và thậm chí đạt mốc 11 triệu ca chỉ bảy ngày sau đó.

Thời gian miễn dịch là bao lâu?

Khi được hỏi liệu vaccine có hiệu quả ở người lớn tuổi hay ở người trẻ hơn, giáo sư Sahin của BioNTech cho biết, công ty sẽ có câu trả lời rõ ràng hơn về vấn đề này trong ba tuần tới.

Ông nói thêm vẫn chưa biết khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu sau khi tiêm liều thứ hai trong hai liều vaccine.

Theo Sahin, việc tiêm chủng ngừa tăng cường không nên “quá phức tạp”, nếu thấy khả năng miễn dịch giảm đáng kể sau một năm.

Nhân viên chăm sóc sức khỏe cầm một ống tiêm của đợt thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, được phát triển bởi Pfizer của Mỹ và công ty BioNTech của Đức. Ảnh: Dogukan Keskinkilic 
Nhân viên chăm sóc sức khỏe cầm một ống tiêm của đợt thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, được phát triển bởi Pfizer của Mỹ và công ty BioNTech của Đức. Ảnh: Dogukan Keskinkilic 

Cho đến nay, những tác dụng phụ của vaccine Pfizer-BioNTech được báo cáo gồm: đau nhẹ đến trung bình tại chỗ tiêm, sốt nhẹ đến trung bình trong vài ngày...

“Là một nhà khoa học đã nghiên cứu một số loại virus khác, tôi hy vọng rằng hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh cũng sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng”, Sahin nói với BBC hôm 15/11.

“Vì vậy, tôi rất tin tưởng rằng, việc lây truyền giữa người với người sẽ giảm bớt nhờ một loại vaccine hiệu quả cao. Có thể không phải 90%, mà có thể là 50%. Nhưng chúng ta không nên quên rằng, dù mức độ hiệu quả là 50% thì vaccine cũng có thể làm giảm đáng kể sự lây lan của dịch bệnh”.

Theo đó, vaccine Pfizer-BioNTech là một trong số những vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Vì các nhà sản xuất thuốc và trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang dốc hết sức để cung cấp một loại vaccine an toàn và hiệu quả.

Những "ứng cử viên" vắc xin hàng đầu được Hoa Kỳ hậu thuẫn bao gồm Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương