Nhận định chứng khoán 23/10: Không nên hoảng loạn

Nhận định chứng khoán 23/10 của các công ty chứng khoán cho thấy, sự sụt giảm trong phiên 22/10 không chỉ là một biến động đơn lẻ mà còn phản ánh một tâm lý bi quan đang gia tăng trong số đông nhà đầu tư.

Có thể thấy, VN-Index đã trải qua một phiên giao dịch rất khó khăn vào ngày 22/10, khi kết thúc phiên với mức giảm mạnh, xuống còn 1.269,89 điểm. Một trong những chỉ báo kỹ thuật đáng quan tâm là sự hình thành của mẫu hình nến Black Marubozu, một tín hiệu cho thấy xu hướng giảm có thể tiếp tục trong ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, chỉ số cũng đã phá vỡ đường Middle của Bollinger Bands, một hiện tượng thường chỉ ra rằng thị trường đang có dấu hiệu bất ổn và có thể trải qua những cơn sóng gió trong thời gian tới .

Ngoài ra, hoạt động của nhà đầu tư ngoại cũng rất đáng chú ý, khi mà khối ngoại đã liên tục thực hiện các giao dịch bán ròng với tổng giá trị lên tới gần 160 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 87 tỷ đồng trên sàn HNX.

Nhận định chứng khoán 23/10: Không nên hoảng loạn- Ảnh 1.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index.

Điều này không chỉ làm dấy lên lo ngại mà còn tạo ra một áp lực bán đáng kể cho thị trường, làm cho tình hình trở nên kém lạc quan hơn. HNX-Index cũng không khá hơn so với VN-Index khi đang cho thấy những dấu hiệu giảm điểm rõ rệt. 

Cụ thể, HNX-Index đang bám sát đường Lower của Bollinger Bands và đồng thời đã phá vỡ đáy cũ của tháng 9, điều này cho thấy sự yếu kém trong lực cầu và một môi trường giao dịch không thuận lợi.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhiều ngành khác cũng đang đối mặt với tình trạng suy yếu, tạo ra áp lực chung lên toàn bộ thị trường chứng khoán. Nếu tình hình không có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới, rủi ro điều chỉnh có thể gia tăng trong các phiên giao dịch tiếp theo, do các chỉ báo kỹ thuật vẫn tiếp tục duy trì tín hiệu bán. 

Tình hình này cần được theo dõi sát sao, và nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định giao dịch.

Các công ty chứng khoán nhận định thế nào về phiên giao dịch 23/10?

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Không nên hoảng loạn

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn và giữ tâm lý bình tĩnh, tranh thủ loại bỏ những cổ phiếu đang suy yếu trong danh mục với các đặc điểm như rơi xuống dưới đường MA20 và chịu áp lực bán mạnh, đồng thời kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn.

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Hạn chế việc mua bình quân giá xuống

Áp lực tỷ giá và hành động khởi động lại kênh tín phiếu, hút tiền về của NHNN (SBV) trong hai phiên vừa qua đã tác động tới tâm lý của giới đầu tư khiến áp lực bán gia tăng.

Chỉ số VN-Index có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp, đây cũng là phiên đáng chú ý khi biên độ giảm lớn và thanh khoản có sự gia tăng đáng kể. Khối lượng khớp lệnh trên HSX có sự bứt phá, vượt mức trung bình 20 phiên (+3,7%) sau 12 phiên thấp hơn.

Giảm với biên độ mạnh và có sự đi kèm với thanh khoản cho thấy áp lực bán đang có chiều hướng gia tăng và khả năng có thể kéo dài trong các phiên tới để hướng về hỗ trợ 1.250-1.255 điểm.

Ở thời điểm hiện tại, việc quản trị rủi ro cần được ưu tiên hơn sau phiên giảm mạnh hôm nay, hạn chế việc mua bình quân giá xuống và căn bán từng phần ở các mã cổ phiếu trong danh mục vi phạm đến tiêu chí quản trị rủi ro.

Chứng khoán AIS: Có thể sẽ có một số tích lũy/rebound (hồi phục nhẹ) trở lại

Áp lực bán gia tăng mạnh gần cuối phiên chiều đã khiến VN-Index có lúc giảm gần 15 điểm, song lực cầu bắt đáy tại phiên ATC đã giúp chỉ số chung hồi phục nhẹ.

Trong bối cảnh lực cầu không có sự đồng thuận tại vùng giá cao .280-1.295 điểm thì việc thị trường rũ bỏ và quay trở lại vùng giá thấp hơn 1.265-1.270 điểm để thu hút thêm cầu mới cũng là điều dễ hiểu.

Có thể sẽ có một số tích lũy/rebound (hồi phục nhẹ) trở lại trong những phiên tới của tuần này. Kháng cự gần nhất là quanh vùng 1.280 điểm (tương đương đường MA20 ngày).

Hỗ trợ mạnh nhất cho xu thế của thị trường vẫn là quanh vùng 1.245-1.250 điểm (quanh vùng MA200 ngày).

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Tâm lý giao dịch sẽ có xu hướng thận trọng hơn

Sự xuất hiện của áp lực phân phối tại vùng giá thấp đối với nhiều mã bluechip và độ rộng thị trường nghiêng nhiều về số mã giảm điểm cho thấy rủi ro đang gia tăng.

Mặc dù đây chưa phải tín hiệu xác nhận xu hướng giảm nhưng có thể cảnh báo về một nhịp điều chỉnh sâu hơn, đặc biệt là sau 3 nỗ lực vượt cản 1.300 điểm bất thành.

Với diễn biến hiện tại, tâm lý giao dịch sẽ có xu hướng thận trọng hơn và xu hướng đi ngang sẽ tạm thời đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể áp dụng chiến lược mua bán linh hoạt 2 chiều, mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự với tỷ trọng ở mức cân bằng trong ngắn hạn.

Chứng khoán Asean: Quản trị danh mục theo sát diễn biến thị trường ngắn hạn

Sức ép rút ròng mạnh ở nhóm ngân hàng khiến xu hướng xấu đi và rủi ro giữ vùng hỗ trợ 1.265-1.271 điểm trở nên mong manh hơn - đây cũng là chốt chặn xác nhận chuyển giao từ giai đoạn đi ngang biến động rộng phá vỡ vùng viền cổ xác nhận cho mẫu hình giảm ngắn hạn.

Động thái NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng trở lại, cho thấy xu hướng đổi từ hỗ trợ thanh khoản sang hút ròng tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới tiếp tục vận động tại vùng đỉnh với các tín hiệu suy giảm nhẹ đem lại rủi ro tiềm ẩn.

Chúng tôi cho rằng sức ép tâm lý từ các thông tin này là nguyên nhân khiến thị trường diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn và giảm dần đi theo thời gian, tuy nhiên các chỉ số sẽ có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn trong tương lai.

Do đó, nhà đầu tư cẩn trọng, quản trị danh mục theo sát diễn biến thị trường ngắn hạn xem xu hướng điều chỉnh này diễn ra trong bao lâu, các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý III tích cực là tiêu điểm theo dõi sau khi xác nhận cân bằng xuất hiện.

P.V (tổng hợp)