Nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng vì sợ dịch Covid nên không đi khám

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhiều người e ngại đến bệnh viện, tự ý điều trị tại nhà nên dẫn đến bệnh diễn biến nặng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, rất nhiều trường hợp sốt xuất huyết nhập viện khi bệnh đã diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao. Riêng trong tháng 8 vừa qua, thành phố đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi ở quận 7 tử vong vì sốt xuất huyết.

Số ca sốt xuất huyết ở Bệnh viện quận Thủ Đức cũng tăng mạnh, chỉ trong tháng 8 đã có 132 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó có 65 trường hợp là trẻ em.

Nhiều ca sốt xuất huyết trở nặng vì sợ dịch Covid nên không đi khám

Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đang điều trị cho 25 ca sốt xuất huyết, trong đó có 10% diễn tiến nặng như mạch, tụt huyết áp, nôn ói và đi cầu ra máu… Khoa cũng có một số ca nặng từ các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh như Tây Ninh, Bình Dương chuyển lên.

Gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tăng và nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất nặng. Một bệnh nhi 13 tuổi ở Trà Vinh bị sốc sốt xuất huyết biến chứng suy đa cơ quan, dịch tràn đầy màng phổi, màng bụng, truyền hơn 2 lít máu và chế phẩm máu. Sau đó bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Đây là một trong những trường hợp rất nặng được cứu sống. 

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), hai tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực đã liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng. Một bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 3 và được điều trị theo phác đồ. Trước khi nhập viện bé đã sốt cao 3 ngày, dù uống thuốc nhưng không hạ, kèm theo đau bụng. 

PGS. TS. BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện sốt xuất huyết đã vào mùa. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, xuất huyết nặng gây tử vong nên cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Theo ThS. BS. Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại thành phố thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Khác với các bệnh khác, bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nặng thường là ngày thứ 5 - 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Chính vì vậy, người bệnh không thể chủ quan, cần được chẩn đoán sớm để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nếu có những triệu chứng sốt cao, lạnh run, đau đầu, mỏi cơ… phải đến cơ sở y tế khám để có biện pháp điều trị phù hợp. Hiện các cơ sở y tế đều được khai báo  y tế và khám sàng lọc nên bệnh nhân có thể an tâm. 

Đối với các bệnh nhi bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể như chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da hoặc đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sỹ. Nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Một số biện pháp phòng bệnh:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn.

- Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Thanh Mai

Xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhi bị biến chứng sốt xuất huyết

Xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhi bị biến chứng sốt xuất huyết

Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, nhất là với trẻ em.