Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực chi phí đầu vào gia tăng và nỗi lo thiếu vốn hoạt động

Đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng nhìn một cách tổng quan, năm 2022 được đánh giá là năm thách thức với các doanh nghiệp sản xuất do nhu cầu giảm, trong khi chi phí tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực chi phí đầu vào gia tăng và nỗi lo thiếu vốn hoạt động...

Chi phí đầu vào gia tăng do giá cả leo thang từ đầu năm 2022 đến nay khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực về việc phải có dòng vốn lớn hơn, nhưng vay vốn ngân hàng không dễ vì hầu hết nhà băng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

hực tế, số lượng doanh nghiệp chủ động được dòng tiền không nhiều, hầu hết đều đang khát vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do room tín dụng hạn chế nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận vay vốn ngân hàng nói chung, vay từ chương trình hỗ trợ 2% lãi suất nói riêng. Hiện tại, các doanh nghiệp đang ngóng chờ thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng.

Bên cạnh nỗi lo thiếu vốn, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, áp lực lạm phát là mối nguy cơ hàng đầu cho hoạt động kinh tế 6 tháng cuối năm 2022. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng cao, giá dầu được dự báo tiếp tục tăng mạnh và tâm lý lo ngại lạm phát nhập khẩu nhất là khi Việt Nam có độ mở kinh tế cao.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thiết bị gia dụng cho biết, từ trước đến nay, công ty luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực và hạn chế tiếp cận các nguồn vốn khác, nên khi nhà băng cạn room tín dụng, công ty gặp khó khăn trong việc bổ sung vốn.

Trong khi đó, chi phí để nhập nguyên liệu, thiết bị sản xuất gia tăng do giá tăng cao, đòi hỏi công ty phải có dòng vốn lớn hơn. Vì vậy, công ty mong muốn ngành ngân hàng nới room tín dụng để có thể tiếp cận vốn vay. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện nay.

Gắn liền với vốn vay là lãi suất, khả năng lãi suất tăng đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán TTA) chia sẻ, lãi suất tăng là nỗi lo của Công ty trong nửa cuối năm 2022, vì sẽ ảnh hưởng đến chi phí tài chính.

Ở góc nhìn khác, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số nhận định, lãi suất có thể sẽ tăng, nhưng không nhiều. Công ty vẫn dành khoản tiền lớn để làm vốn lưu động nên chủ động được dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) ghi nhận khoản lỗ 113 tỷ đồng trong quý I/2022 và lợi nhuận quý II/2022 tiếp tục là con số âm. Theo HNG, nguyên nhân dẫn đến Công ty thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu là do giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp tăng 130%, giá bao bì đóng gói trái cây tăng hơn 15% so với đầu năm.

So với quý I/2022 thì quá trình vận chuyển hàng hoá của HAGL Agrico bớt khó khăn hơn, giúp Công ty phần nào giảm chi phí kho bãi. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng mạnh (cụ thể là xăng dầu) đã đẩy chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường thuỷ lên cao so với cùng kỳ năm 2021.

Chi phí lãi vay cũng là áp lực với HAGL Agrico khi doanh nghiệp có dư nợ vay xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, chủ yếu vay ngân hàng, vay Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Thagrico. Lường trước những khó khăn trong năm 2022 dẫn đến chi phí lớn nên HAGL Agrico đã lên kế hoạch kinh doanh năm nay là doanh thu 1.731 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.713 tỷ đồng (gấp đôi mức lỗ năm 2021).

Tổng Hợp