Nhiều dự án BT tại TP.HCM đang "đứng hình"

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tháo gỡ “ách tắc, vướng mắc” để thị trường bất động sản phục hồi, phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật để đủ điều kiện khởi động lại dự án đầu tư áp dụng loại Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

HOREA cho biết đã đề nghị chỉ nên dừng Hợp đồng BT trong năm 2021-2022 để có thời gian xem xét, rà soát hoàn thiện lại hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư dự án BT và để từ năm 2023 trở đi, có thể tái khởi động trở lại phương thức xã hội hóa đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hoặc xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, hoặc các dự án chỉnh trang tái phát triển các khu vực đô thị cũ.

Hiệp hội đề nghị rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, nhằm bịt kín các lỗ hổng, đủ điều kiện để khởi động lại các dự án BT, để vừa đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và hiệu quả, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng. Cụ thể, HOREA đề nghị 4 nội dung:

Một, đề nghị áp dụng phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, góp phần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, lành mạnh.

Hai, đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu để có thể thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT đồng thời với đấu thầu dự án có sử dụng đất (đất chưa giải phóng mặt bằng) để thanh toán Hợp đồng BT, để nhà đầu tư thực hiện dự án khác.

Ba, đề nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, để cho phép áp dụng phương thức thanh toán Hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước (kể cả vốn viện trợ, vốn ODA) và coi đây là phương thức thanh toán chủ yếu Hợp đồng BT; hoặc chỉ thực hiện phương thức thanh toán Hợp đồng BT bằng dự án có sử dụng đất (dự án khác) trong trường hợp quỹ đất thanh toán đối ứng chưa giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đồng thời với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT.

Bốn, đề nghị thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với trụ sở làm việc, đất sạch do Nhà nước quản lý, hoặc có tài sản trên đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước để tạo nguồn vốn ngân sách nhà nước thanh toán Hợp đồng BT theo quy định tại Điều 118, Điều 119 Luật Đất đai 2013 và Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

Hiệp hội nhận thấy, mặt bằng trụ sở làm việc, các diện tích đất sạch do Nhà nước quản lý hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo thu hồi giá trị tài sản vào ngân sách nhà nước đúng giá thị trường. Ví dụ, năm 2014, TP.HCM đã đấu giá thành công mặt bằng số 23 Lê Duẩn, quận 1, diện tích 3.000 m2, có giá khởi điểm đấu giá 550 tỷ đồng, qua 16 vòng đấu của 14 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, giá trúng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Đề nghị không sử dụng phương thức thanh toán Hợp đồng BT bằng quỹ đất sạch của Nhà nước, vì việc xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho nhà đầu tư không đảm bảo được nguyên tắc ngang giá và phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.