Từ đầu năm đến nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,16%, nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp và đang mong ngóng được Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.
Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên của các ngân hàng thương mại, áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng room tín dụng.
Theo ông Quang, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
Về room tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Đặc biệt, hiện có tình trạng một số ngân hàng đã cho vay cận room 155 với khách hàng lớn, ông Quang khuyến nghị cần đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro.
“Định hướng mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn là chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lạm phát 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,25% song áp lực lạm phát với nền kinh tế nước ta là rất lớn, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu vì độ mở nền kinh tế cao.
Trên thế giới, các nước đang tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên thế giới đã có 114 lượt tăng lãi suất. Áp lực nhập khẩu lạm phát thế giới cộng với nhu cầu tín dụng tăng nhanh trong nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.
11 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế room tín dụng, song song với việc nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị của hệ thống ngân hàng.
“Nhưng dù là vậy, nhu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của nước ta là trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của ngân hàng thương mại, dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Với bài học đó, Ngân hàng Nhà nước phải đi song song cả hai chân: vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó có tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng chỉ tiêu tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt khả năng cung ứng vốn của hệ thống khiến cơ quan quản lý phải cân nhắc.
Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, cầu vốn khách hàng trở lại. Tuy nhiên, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, nhất là với dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, 4 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cuối năm 2021.
Tín dụng tăng mạnh trong quý đầu năm cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đời sống sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế.
Thực tế, tăng trưởng dư nợ tín dụng ở các ngân hàng cũng cho thấy đã sớm cạn room được cấp trong những tháng đầu năm.
Tổng Hợp