Những ngày qua, sự việc Tân Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Ý Nhi có những phát ngôn gây tranh cãi đang là tâm điểm gây chú ý.
Cụ thể, trong video trả lời phỏng vấn một tờ báo, Ý Nhi nói: "Bạn bè đồng trang lứa với em họ dành thời gian để ngủ, chơi, uống trà sữa, cà phê cùng bạn bè thì em đã tham gia cuộc thi hoa hậu, đã trưởng thành hơn các bạn, đã có công việc. Các bạn vẫn đang là sinh viên, hoặc vừa đi làm vừa đi học thì em đã là một hoa hậu rồi".
Hay khi khi nhận được câu hỏi: "Bạn trai có cần thay đổi gì sau khi cô đăng quang hay không?", người đẹp nêu quan điểm: "Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới, thật sự là một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2 - 3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi. Nhưng tôi vẫn mong muốn bạn trai vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư, sống đúng với lứa tuổi. Tôi không muốn vì bản thân tôi mà ép người khác theo mình hay thay đổi hoàn toàn vì mình".
Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi |
Trong một bài phỏng vấn khác cô cũng mắc lỗi kiến thức cơ bản về lịch sử, đặc biệt là kể tên mình trước tên vua Quang Trung khi nhắc đến người nổi tiếng ở Bình Định. Nhiều khán giả cho rằng hoa hậu Ý Nhi đang đề cao bản thân, khiến cho cô liên tục bị chỉ trích.
Chia sẻ với VTC News, nhà báo Dương Xuân Nam – “cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (tiền thân là Hoa hậu báo Tiền Phong) cho biết ông đã đọc thông tin về sự việc này. Ông cho rằng việc công chúng phản ứng cũng có lý của họ, vì họ thấy ứng xử của cô ấy không ngang tầm với hoa hậu.
"Hoa hậu ngoài sắc đẹp hình thể còn phải là người có hiểu biết, vì người đăng quang trong một cuộc thi hoa hậu phải tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ cả về hình thể lẫn tri thức, đạo đức. Qua cách ứng xử của hoa hậu này, công chúng thất vọng và cảm thấy những phát ngôn của cô ấy chưa ngang tầm với danh hiệu", ông Dương Xuân Nam nói.
Nhà báo Dương Xuân Nam. |
Tuy nhiên ông khẳng định: "Theo tôi, tước vương miện thì hơi nặng nề với tân Hoa hậu Ý Nhi. Để tước vương miện, hoa hậu đó phải vi phạm quy chế thi, vi phạm tư cách đạo đức hoặc quy định của pháp luật. Còn những phát ngôn của Ý Nhi chỉ chứng tỏ rằng cách ứng xử của cô ấy chưa xứng tầm với danh hiệu Hoa hậu mà thôi.
Ban tổ chức và Ban giám khảo phải có trách nhiệm lựa chọn hoa hậu sao cho đó là gương mặt tiêu biểu về vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tri thức, tâm hồn, được hầu hết công chúng công nhận. Kết quả thế này quả thực khiến công chúng thất vọng!".
Ông phân tích: "Hiện nay chúng ta có 2 cái “loạn” liên quan đến các cuộc thi nhan sắc. Thứ nhất là loạn danh xưng Hoa hậu và thứ 2 là loạn các cuộc thi. Theo tôi, chúng ta nên chấm dứt tình trạng này bằng cách có quy định chặt chẽ hơn về việc cấp phép thi hoa hậu. Đầu tiên, đơn vị được đứng ra tổ chức phải là các cơ quan văn hóa, có liên quan đến văn hóa và có kinh nghiệm, kinh phí tổ chức thì mới được cấp phép. Sau đó, việc lựa chọn giám khảo chấm thi cũng cần có quy chế, quy định bằng văn bản thay vì tình trạng “thích ai thì mời” như hiện nay".
Trước những phát ngôn gây xôn xao của hoa hậu Ý Nhi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết "đã phải cười đau khổ khi nghĩ đến câu chuyện bi hài đó. Nếu Ý Nhi là cháu ruột tôi thì tôi cũng phải cười như thế". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn gì trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng mà thôi.
"Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hoá và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hoá làm cô trở nên kệch cỡm... Ngày nay, hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về"- nhà thơ nổi tiếng nói.
Trước ý kiến đề nghị tước danh hiệu hoa hậu của Ý Nhi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay cá nhân ông thấy không cần thiết trong trường hợp cụ thể này. "Vì cô đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi cộng đồng. Hãy để cô sửa chữa lỗi bằng các hoạt động của cô sau này đối với cộng đồng" - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu quan điểm.
Ông cho biết thêm điều mà mình muốn đề nghị là giảm bớt các cuộc thi hoa hậu đi vì chắc chắn đây không phải là yếu tố kích cầu cho sự phát triển xã hội ở mọi nghĩa. Ngược lại, Việt Nam đang lạm phát các cuộc thi hoa hậu cũng như nhiều loại danh hiệu. Kèm theo đó là sự lạm phát các hành vi kém văn hoá.
Chia sẻ với báo Dân trí, Thạc sĩ Đặng Hoàng An - giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng sau những cuộc thi hoa hậu, người đăng quang cần thời gian để thích nghi.
"Giai đoạn đầu bước ra từ cuộc thi, các hoa hậu sẽ nhận về khá nhiều câu hỏi quan tâm từ báo giới, truyền thông. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng đủ sự bản lĩnh, kỹ năng đối ứng với vô vàn câu hỏi đó. Thậm chí có những câu hỏi khó, cần độ xử lý thông tin nhanh chóng nhưng kỹ năng từ chối của các bạn kém. Chưa kể, có bạn lần đầu làm quen với những điều mới lạ này nên sự lúng túng, thiếu sót hay "lỡ miệng" là điều khó tránh khỏi.
Phân tích ở góc độ tâm lý, dù bản thân họ có sự "đổi chất" đến đâu nhưng về cơ bản, những kiến thức, kỹ năng hay nhân sinh quan cũng sẽ chỉ di chuyển ở ngưỡng nhất định".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói: "Xã hội hiện nay có biết bao cuộc thi, đồng nghĩa có biết bao hoa hậu. Đâu ai bắt họ phải là đại diện hay thay mặt cho phụ nữ Việt Nam ra thế giới đâu. Tại sao công chúng cứ mặc định những trách nhiệm nặng nề cho họ rồi kỳ vọng quá nhiều và lại làm tổn thương họ?
Mọi người nên hiểu đúng hơn về hoạt động thi hoa hậu. Đó chỉ là một hoạt động giải trí như tất cả các chương trình giải trí khác trong xã hội, ai thấy phù hợp thì đến và không phù hợp thì từ chối.
Quyền lớn nhất mà công chúng có thể sử dụng đó là quyền lựa chọn những sản phẩm giải trí phù hợp với sở thích của bản thân. Hãy tắt tivi, không nghe, không xem và không phát tán những gì mình không thích. Đó chính là cách để giữ cho cuộc sống của mình bớt những căng thẳng không đáng.
Nhiều người hiện nay than phiền về việc quá nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng số người thích xem, đọc về hoa hậu rất đông. Nếu người dân không quan tâm thì các cuộc thi hoa hậu làm gì có đất sống, làm gì có bùng nổ hoa hậu.
Tôi nghĩ truyền hình, báo đài cũng nên ít đưa tin, bàn luận về hoa hậu. Người dân có nhiều điều khác cần quan tâm hơn là chuyện mấy cô người đẹp".
Nhà văn, biên kịch Nguyễn Anh Vũ cho rằng, hoa hậu cũng có sức ảnh hưởng quá lớn đến cộng đồng. Họ trở thành người của công chúng và phải có trách nhiệm lớn với điều đó.
"Giờ đây các hoa hậu không còn là những nhan sắc, phẩm cách, tâm hồn đại diện cho quốc gia hay vùng lãnh thổ nào của Việt Nam.
Trong khi đó người hâm mộ lại đòi hỏi hoa hậu vẫn phải là đại diện đỉnh cao của hình ảnh sắc đẹp, phẩm giá như xưa. Họ dùng quyền lực trong tay mình buộc mọi thứ phải được như kỳ vọng và hơn thế nữa.
Nếu không được chuẩn bị, rèn luyện rất kỹ lưỡng thì không cô gái mười tám đôi mươi nào có thể đối phó được với kỳ vọng ấy của công chúng.
Ngoài ra, hoa hậu cũng là đề tài béo bở của giới truyền thông mạng. Sức mạnh của truyền thông cộng hưởng với "quyền lực" của cộng đồng mạng nhiều khi đẩy các vấn đề trở nên quá cực đoan. Họ trở thành những con người bất nhẫn, thiếu bao dung", Nguyễn Anh Vũ cho biết.
Ai đang chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraina?
Đã hơn 17 tháng kể từ khi Nga tiến hành một cuộc chiến toàn diện vào Ukraina, và dường như cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết.