Nợ hơn 18.000 tỷ đồng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Kiểm toán cho biết với khoản nợ trên 18.000 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn nên có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tại thời điểm cuối quý II/2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 18.444 tỷ đồng. 

Nửa đầu năm, hãng ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Ảnh:  VNA .
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA .

Phía kiểm toán cho biết dịch bệnh COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

“Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch COVID-19”, Deloitte nhận định.

Kiểm toán cho biết thêm những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 18.000 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Nửa đầu năm, COVID-19 đã “ăn” hết lợi nhuận của Vietnam Airlines. Tính đến hết tháng 6, hãng lỗ gần 6.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch lỗ mà hãng hàng không quốc gia ước tính trong năm 2020.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự báo lỗ hợp nhất của năm nay lên đến gần 15.200 tỷ đồng, tức nửa cuối năm, số lỗ sẽ thêm khoảng 8.500 tỷ đồng vì nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh.

Theo tính toán của Vietnam Airlines, số dư tiền tính đến cuối năm của hãng chỉ còn 397 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2019 lên đến 4.185 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, gấp 6 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, phương án này được xây dựng trên giả thiết được Chính phủ phê duyệt cho hãng vay 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020 cũng sẽ chưa thực hiện.

Từ đầu năm, khi dịch COVID-19 bùng phát, ban lãnh đạo Vietnam Airlines liên tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay 12.000 tỷ đồng, trong đó lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối qua hình thức cho vay chỉ định, tái cấp vốn để tránh tình trạng âm vốn chủ sở hữu đang đến gần.

Vietnam Airlines tìm đủ cách xoay sở

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, HĐQT và Ban giám đốc đã phải triển khai các kế hoạch ứng phó khủng hoảng để duy trì khả năng hoạt động liên tục của công ty.

“Tổng công ty đang phải nỗ lực thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản, và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu, hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng”, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Một trong những giải pháp quan trọng là không chi trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông nhằm đảm bảo cân đối tài chính cho các năm tiếp theo. Đây cũng là điều kiện để Vietnam Airlines đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong ngoài nước, để giảm giá, gia hạn và giãn tiến độ thanh toán các hợp đồng vay.

Một số ngân hàng đã đồng ý giãn thanh toán nợ vay cho các khoản vay đến hạn từ tháng 5 tới tháng 9/2020 hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng điều kiện tại Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước hoặc giảm chi phí lãi phải trả cho Vietnam Airlines.

Một kế hoạch được ban lãnh đạo Vietnam Airlines đề ra trong năm nay là bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất từ năm 2007-2008. Trong 9 tàu bay sẽ bán, có 6 tàu bay sẽ bán theo kế hoạch đã có trước đó. Còn 3 tàu bay A321 CEO được đẩy lên bán sớm hơn từ năm 2020-2021, thay vì kế hoạch bán từ 2023-2024. 

"Quyết định bán là cần thiết, bởi tổng công ty có định hướng thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác đến 12 năm tuổi. Song song đó, sự bùng phát của COVID-19 đã thúc đẩy quá trình này", Vietnam Airline nói về việc bán máy bay.

Với tình hình hiện nay, theo dự báo, hãng sẽ dư khoảng 25 máy bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 máy bay vào năm 2021.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ, qua khảo sát có nhiều đối tác mong muốn mua A321 CEO của hãng, đảm bảo tính khả thi và cạnh tranh khi thực hiện. Hãng kỳ vọng khi thị trường phục hồi, nhu cầu tàu bay thân hẹp sẽ tăng, đảm bảo thu hồi đủ chi phí vốn.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương