Nợ xấu và vùng nhận diện nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay

Thông tin mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cập nhật tại một số thời điểm gần đây, nợ xấu và vùng nhận diện nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay, và thậm chí đưa cả hệ thống trở lại mức độ như giai đoạn 2016-2017...

Cập nhật mới nhất, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết tại hội thảo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã tăng từ 1,69% cuối 2020 lên 1,9% vào cuối tháng 9/2021.

Từ tháng 10 vừa qua, một yêu cầu mới đối với hệ thống là phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro ngay hàng tháng, theo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước. Cũng từ tháng 10, nhiều địa phương trên cả nước đã lần lượt nới lỏng giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại dần phục hồi theo "bình thường mới". Những trở ngại trên dần tháo gỡ để các NHTM có thể đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, yêu cầu lớn và chung nhất là cần có một khung khổ pháp lý mới thay thế Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết này sắp hết hiệu lực vào năm tới, và các NHTM kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm xây dựng và có được một luật riêng về xử lý nợ xấu. Tính thời điểm đã gần kề khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, bối cảnh càng nóng bỏng khi nợ xấu tăng lên bởi COVID-19, nên yêu cầu trên đang trở nên cấp bách.

Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực và rộng lớn của COVID-19 . Quý 3 vừa qua cũng là quãng cao điểm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, khi mà nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng bị đứt gãy… Như vậy mẫu số nợ xấu tăng mạnh lên trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR bị giảm xuống khi mức độ trích lập dự phòng rủi ro không tăng tương ứng.

Mặt khác, về số tuyệt đối, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro chỉ ở mức thấp so với nợ xấu tăng thêm, như mức trích 5%, 20%, 50% theo các nhóm nợ thuộc nợ xấu, chỉ riêng nợ có khả năng mất vốn mới trích lập 100% (ngoài ra có tỷ lệ trích lập dự phòng chung 0,75% cho nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4). Mức sụt giảm của LLR trong quý 3 như trên cũng phản ánh sức tác động tiêu cực rất lớn của COVID-19 đối với nợ xấu. Tác động đó không chỉ một chiều đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền trả nợ của khách hàng vay vốn, dẫn đến nợ xấu, mà còn tác động ở chiều quan trọng nữa là việc xử lý của các NHTM.

Trở ngại của các NHTM trong việc xử lý cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng vừa qua, thực hiện phòng chống dịch và quy định cách ly, giao thông hạn chế và nhất là hàng không, nhiều cán bộ xử lý nợ không thể đến trực tiếp các địa bàn để thẩm định, xử lý nợ (nhất là những khoản lớn được phân cấp thẩm định, phê duyệt cấp hội sở…).

Như đã thể hiện ở báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), chỉ tiêu LLR cho thấy sự sụt giảm đột ngột chỉ trong quý 3 so với quý liền trước, theo dữ liệu tại một tham luận của hội thảo. Điển hình như tại Techcombank giảm từ 259% cuối quý 2/2021 xuống còn 185% quý 3/2021, tương tự tại Vietcombank giảm từ 352% xuống 243%, tại TPBank từ 145% xuống 116%. Một số thành viên khác cũng giảm đáng kể như tương ứng kỳ so sánh trên tại ACB từ 208% xuống 198%, HDBank từ 88% xuống 81%, VietinBank từ 129% xuống 119%...

Ở bình diện tổng thể toàn hệ thống (hiện còn một cấu phần các NHTM chưa niêm yết và chưa cập nhật báo cáo tài chính định kỳ như các thành viên niêm yết) để nhận diện sát hơn mức độ của tỷ lệ LLR hiện nay. Nhưng có thể tham khảo một báo cáo của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cập nhật gần đây, cho thấy: tính đến cuối tháng 6/2021, toàn hệ thống đã có gần 200.000 tỷ đồng nguồn lực dự phòng rủi ro tín dụng, ứng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR gần 90% tổng thể.

Hơn 4 năm trở lại đây, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng 424,1 nghìn tỷ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/8/2017 - 31/8/2021.

Kết quả đạt được là rất tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)