“Nỗi đau của bướm đêm”: Nỗi đau đâu của riêng ai…

LÊ QUANG VINH

Đọc “Nỗi đau của bướm đêm”, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng: Vì sao một nữ tác giả trẻ lại táo bạo khai thác một đề tài khó nhằn như thế

Với các phóng viên theo dõi lĩnh vực văn hóa - giải trí, hẳn nhiều người đã biết tới Nguyễn Thu Hằng - một cây bút từng làm việc tại Báo Dân trí, đồng thời là một cô gái có vóc dáng khá “bốc lửa”, đầy nghị lực, nên luôn thu hút những ánh nhìn mỗi khi cô xuất hiện tại các cuộc họp báo.

Mọi người hẳn cũng ngạc nhiên khi năm ngoái thấy cô xin thôi làm báo, đi “ở ẩn”, và mới đây, lại thêm một lần khiến mọi người ngỡ ngàng khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nỗi đau của bướm đêm” - viết về thân phận của các “gái bán hoa”. Bất ngờ hơn là, Thu Hằng viết “Nỗi đau…” này trong những ngày cô điều trị tại viện tâm thần.

Tác giả Thu Hằng tâm sự: “Mình là nhà báo, không phải nhà văn. Viết truyện chỉ là để giải tỏa sự bế tắc, buồn chán khi mình điều trị stress trầm cảm, rối loạn lo âu…” (ảnh: NVCC).
Tác giả Thu Hằng tâm sự: “Mình là nhà báo, không phải nhà văn. Viết truyện chỉ là để giải tỏa sự bế tắc, buồn chán khi mình điều trị stress trầm cảm, rối loạn lo âu…” (ảnh: NVCC).

“Nỗi đau của bướm đêm” là câu chuyện kể về cuộc đời Thơm - một cô gái trẻ xinh đẹp vì gia cảnh nghèo túng mà phải sa chân vào ngách đường buôn hương bán phấn. Lỡ có thai với khách, Thơm quyết bỏ nghề để làm lại cuộc đời, nhưng sự nghèo khó không cho cô làm người lương thiện và lại phải quay lại với cái nghề bị cả xã hội coi khinh…

Theo tác giả Thu Hằng, thời nhỏ, cô sống gần nhà của nhiều cô “bướm đêm”, nên đã có dịp quan sát về cuộc sống của họ. Sau này, nữ nhà báo lại được tiếp xúc với một số cô gái sống cái nghề đặc biệt đó. Với cảm nhận rằng - nghề nào cũng có người này, người kia, Thu Hằng viết “Nỗi đau của bướm đêm” với hy vọng những trang viết của mình sẽ giúp những góc khuất được phơi bày, và để người đời có thể nhìn vào những cảnh đời đó bằng ánh mắt khoan dung hơn.

Lý giải về việc viết “Nỗi đau của bướm đêm” trong thời gian nằm viện tâm thần, Thu Hằng cho hay: “Làm báo điện tử thì ai cũng rất bận rộn, vất vả, áp lực, nhưng tôi cực yêu thích, nên bỏ qua các vấn đề về sức khỏe. Từng bị rối loạn lo âu và stress, phải điều trị gần 2 năm, nhưng tôi vẫn bất chấp, làm việc “sống chết” không nghỉ, kể cả cuối tuần, hay dịp lễ, Tết. Nếu có đi biển cùng cả nhà thì tôi cũng chỉ ngồi trên bờ ôm máy tính cả buổi.

Tôi rất cầu toàn trong công việc, nên hàng chục năm nay, tôi không bao giờ ngủ nổi 5 giờ mỗi ngày. Tôi làm việc vì đam mê và cũng vì muốn kiếm được nhiều tiền. Tôi nghĩ, được làm đúng việc mình thích thì vất vả cũng chẳng sao. Tới đầu năm 2023, sức khỏe tinh thần của tôi lại xấu đi. Tôi mất ngủ dài ngày vì stress, nhiều đêm không chợp mắt.

Khi đó, gia đình yêu cầu tôi tạm nghỉ việc, nhưng tôi không đồng ý. Mất ngủ, ăn ít, tôi ngất xỉu liên tục, gia đình đưa tôi đi viện và ép tôi nghỉ việc. Rời khỏi tòa soạn là điều khiến tôi đau khổ vô cùng. Tôi là người rất hiếm khi rơi lệ, nhưng năm 2023 vừa qua, tôi đã khóc 2 lần - lần đầu là khi tôi xin nghỉ việc và lần thứ hai là khi tôi viết phân đoạn mẹ Thơm qua đời trong truyện “Nỗi đau của bướm đêm”.

Cuốn tiểu thuyết này được viết trong thời gian tác giả nằm điều trị tại Viện Tâm thần.
Cuốn tiểu thuyết này được viết trong thời gian tác giả nằm điều trị tại Viện Tâm thần.

Là người say nghề, ham việc, nên “Khi tôi tới khám ở viện tâm thần, bác sĩ hỏi tôi có muốn nhập viện? Tôi đã đồng ý ngay, vì thấy đây là cơ hội tuyệt vời để tôi tìm hiểu về một bệnh viện đặc biệt và những bệnh nhân đặc biệt…” - Thu Hằng tâm sự.

Thu Hằng cũng chia sẻ rằng: “Là người cực kỳ yêu công việc nên khi ở trong viện, sự nhàn rỗi làm tôi buồn chán vô cùng. Gia đình động viên tôi viết cái gì đó cho khuây khỏa và tôi bắt đầu viết “Nỗi đau của bướm đêm” để giết thời gian. Tuy nhiên, thời điểm đó tôi stress nặng, mỗi ngày chỉ viết được chừng 1-2 giờ là phải nghỉ. Tôi khi đó như một quả chanh đã hết sạch nước, chỉ còn lại vỏ, xơ xác, kiệt quệ.

Khả năng tốt nhất của tôi là viết lách mà tôi lại phải nghỉ việc ở tòa soạn, điều đó khiến tôi rất tuyệt vọng. Trong nhiều tháng, tôi mất phương hướng, không biết nên làm gì. Tôi viết “Nỗi đau của bướm đêm” chỉ để có cảm giác là mình vẫn được viết báo. Không ngờ câu chuyện được yêu thích đến vậy trên mạng rồi được đọc cả trên Youtube…”.

Trước khi “Nỗi đau của bướm đêm” được in thành sách (do NXB Hội Nhà văn và Tri Thức Trẻ Books phối hợp ấn hành), nội dung cuốn tiểu thuyết này từng được Hằng đăng nhỏ giọt trên mạng với tên “Ai lấy c@ve”, đã thu hút hàng triệu độc giả đọc online. Có lẽ, sự hấp dẫn ban đầu với đông đảo bạn đọc là chủ đề được tác giả đề cập: c@ve/bướm đêm. Tiếp nữa, trong truyện ngập tràn những cảnh nóng cùng những câu từ nhạy cảm - yếu tố đương nhiên khi viết về chủ đề mại dâm.

Nhưng, với văn phong gai góc, sâu sắc và chân thực đời thường tới từng câu, chữ, cùng với hàng loạt chi tiết kịch tính dồn nén - lúc được đẩy lên rất cao trào, ngút nóng; đoạn lại trùng xuống đến độ buông xuôi, ngộp thở, tưởng chừng không một lối thoát trong “Nỗi đau của bướm đêm”, Thu Hằng đã liên tục khiến độc giả không khỏi bất ngờ cho tới tận lúc đọc hết cuốn tiểu thuyết này, khi phải rưng rưng trải qua mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.

Trước cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nỗi đau của bướm đêm”, Thu Hằng đã xuất bản tập truyện ngắn khá ấn tượng “Một đêm với người xưa” (NXB Văn hoá Thông tin - 2011). Ngoảnh nhìn những chặng đời Thu Hằng đã qua cũng có nhiều nét lạ: Là nữ sinh trung học của trường Ams, sau đó tốt nghiệp Học viện Tài chính, nhưng rồi lại bỏ nghề kiểm toán, tự tin đến toà soạn báo Tiền Phong để xin làm cộng tác viên của Tạp chí Người đẹp Việt Nam, rồi tiếp - chuyển tới làm việc ở Báo Dân trí, từng từ chối nhiều lời mời làm việc từ các cơ quan báo chí, truyền thông, tập đoàn lớn - vì phải tập trung chữa bệnh, nay lại đắm đuối viết văn và đã được bạn đọc mến mộ, dù trong lòng vẫn cực kỳ yêu thích nghề báo.

Tác giả Thu Hằng duyên dáng, trang nhã trong trang phục áo dài (ảnh: NVCC).
Tác giả Thu Hằng duyên dáng, trang nhã trong trang phục áo dài (ảnh: NVCC).

Đời thường của Thu Hằng còn có nét thú vị khác: Vốn dĩ là người có hình thể quyến rũ, nên trước đây, trong một lần đi du lịch quá cảnh tại sân bay Singapore, cô đã bị nhà chức trách tạm giữ để thẩm tra, bởi họ nghi ngờ cô là “gái ngành” sang đó để hành nghề mại dâm bất hợp pháp. Tới lần này, ra sách “Nỗi đau của bướm đêm”, Thu Hằng có tặng kèm bạn đọc vài tấm poster in hình ảnh gợi cảm của bản thân cùng những trích dẫn lời các nhân vật yêu thích, khiến không ít quý ông lầm tưởng tác giả chính là…cave, nên đã nhắn tin, dò hỏi, gạ gẫm đủ điều.

Bây giờ, Thu Hằng đã nhận ra rằng, giới hạn chịu đựng của mỗi người là khác nhau, nên cần phải cân bằng cuộc sống. Cô tâm sự: “Nhiều độc giả ib nói, cuộc đời tôi chắc thăng trầm lắm, mới bệnh tới mức vậy. Cũng đúng luôn ạ. Nhưng thời gian ở trong viện tâm thần, tôi thấy có nhiều cảnh đời còn trớ trêu hơn, nên mình phải cố mà sống vì người thân, gia đình chứ. Tôi từng nghĩ công việc và tiền là quan trọng nhất, nhưng tôi đã nhầm. Hạnh phúc không phải là được nhiều người yêu, mà là được ở bên người mình yêu và yêu mình đến suốt đời này…”.

“Nỗi đau của bướm đêm” bóc trần sự thật nghiệt ngã ít người biết về cuộc sống tăm tối cùng nhiều đau đớn của những nàng “bướm đêm” khi ngày/đêm do bởi mưu sinh mà phải cam chịu cái ách cai quản của các tú ông, tú bà thời nay, cũng như phải đối phó với các bộ mặt, cử chỉ khả ố, xấu xa, trắng trợn của những gã dân chơi lắm tiền, nhiều tật.

“Nỗi đau của bướm đêm” không đơn thuần chỉ là những câu chuyện về “gái ngành”, mà thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính nhân văn và giáo dục, nên đã có bạn đọc hy vọng, nó có thể chuyển thể thành phim vì câu chuyện ấy quá chân thực, chạm tới trái tim của nhiều độc giả.

Còn với tác giả Thu Hằng, cô đã chia sẻ chân thành: “Mình là nhà báo, không phải nhà văn. Viết truyện chỉ là để giải tỏa sự bế tắc, buồn chán khi mình điều trị stress trầm cảm, rối loạn lo âu trong viện tâm thần. Nhìn cuộc đời ra sao, thì tôi viết chân thực như vậy. Viết về cave thì sẽ phải có cảnh nóng - đó là tất yếu, nhưng tôi không dùng cảnh nóng để câu khách. Truyện của tôi đơn giản, không hoa mỹ, màu mè gì cả. Tôi mong độc giả yêu cuốn tiểu thuyết này vì tính nhân văn…”.