Chưa kịp tận dụng lợi thế từ một số hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa ký kết, nông sản Việt Nam đã đứng trước nỗi lo hiện hữu khi xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất - sụt giảm rất lớn.
Xuất khẩu suy giảm vì thờ ơ với cảnh báo của nước bạn
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho hay, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Song nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đang suy giảm đáng lo ngại.
Trong những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm, đứng đầu là gạo (giảm hơn 70%), sắn (giảm gần 18%), thủy sản (giảm gần 10%). Nhiều mặt hàng rau quả tươi vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này cũng sụt giảm rất mạnh.
“Chính sách siết chặt quản lý nhập khẩu của Trung Quốc yêu cầu hàng nhập khẩu chất lượng cao hơn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, song phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được hoặc chưa chịu thay đổi cho phù hợp với thị trường.
Chưa kể, hiện nông sản Việt vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường biên mậu, trong khi Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát đường biên, đường mòn lối mở, hạn chế hàng tạm nhập tái xuất… Chính vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chững lại”, bà Hoàng Oanh cho hay.
Thực tế, việc thị trường Trung Quốc nâng cao chất lượng nông sản nhập khẩu, yêu cầu phải có nhãn truy xuất nguồn gốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cảnh báo doanh nghiệp cách đây cả năm, song nhiều doanh nghiệp và người dân chủ quan, nghiễm nhiên coi đây là thị trường dễ tính mà không chịu thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần Bagico cho biết, khi Trung Quốc siết quy định về truy xuất nguồn gốc (mã vườn, mã xưởng) ở trong nước, các vùng sản xuất nông sản của nước này thay đổi rất nhanh. Như vậy, việc họ quản lý chặt hơn về nguồn gốc rau quả nhập khẩu là tất yếu. Do đó, bà Thực cảnh báo, nông dân cần phải nắm bắt và thay đổi để thích ứng với thị trường.
Định vị lại thương hiệu nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc
Một thực tế đáng buồn mà bà Nguyễn Thị Thành Thực chỉ ra là, tại chợ đầu mối Thanh Đảo của Trung Quốc, quả thanh long Hải Nam (Trung Quốc) được bán với giá 19 nhân dân tệ/kg, trong khi thanh long Bình Thuận giá 9 nhân dân tệ/kg. Hay tại siêu thị bình dân Thọ Quang (Sơn Đông, Trung Quốc), thanh long Hải Nam được bán 25,6 nhân dân tệ/kg, còn thanh long Bình Thuận chỉ có giá chưa đến 12 nhân dân tệ/kg.
Theo bà Thực, thị trường thanh long ở Việt Nam đang bị thương lái Trung Quốc thao túng (tại Bình Thuận, có khoảng 5 công ty Trung Quốc đang hoạt động). Tuy nhiên, giá thanh long Việt Nam tại Trung Quốc được định giá rẻ mạt không chỉ vì bị ép giá, mà còn vì công nghệ trồng thanh long của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của phía bạn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, chúng ta thường nghĩ rằng, Trung Quốc thường xuyên đột ngột thay đổi chính sách. Thực tế, chính sách của họ vẫn giữ nguyên, chỉ cho phép nhập khẩu 8 loại quả. Thế nhưng, chúng ta vẫn bán được các sản phẩm không có trong quy định, như sắn, na, bơ sang Trung Quốc bằng nhiều hình thức và phương cách như trao đổi giữa các cư dân. Có lẽ, chính vì vậy, khi Trung Quốc siết chặt quản lý, nhiều người mới giật mình.
"Người Việt hay đánh giá hàng hóa dựa về cảm quan, song người tiêu dùng thế giới không chỉ đánh giá cảm quan, mà còn đòi hỏi rất kỹ về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất."
Một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc tiết lộ, việc Trung Quốc siết chặt hàng nông sản nhập khẩu là chính sách chung, nhưng cũng có nguyên nhân là cơ quan chức năng nước này phát hiện nhiều lô hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có sai phạm như giả xuất xứ, giả tờ khai, một số loại hàng hóa có tồn dư một số hóa chất vượt ngưỡng quy định...
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thừa nhận, việc Trung Quốc siết chặt quản lý, nâng cao đòi hỏi về chất lượng hoa quả nhập khẩu đang gây ra một số khó khăn cho ngành. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng tự tin rằng, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đủ năng lực thay đổi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, không chỉ thị trường Trung Quốc, mà với thị trường nhiều nước. “Vấn đề là doanh nghiệp và người dân phải mạnh dạn thay đổi”, ông Nguyên nói.
Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời, song nhìn ở khía cạnh tích cực, đây là lời cảnh báo cần thiết để người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy, định vị lại thương hiệu nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc.
Việc không còn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, định vị lại hàng Việt ở phân khúc cao cấp không chỉ giúp nông sản Việt chinh phục lại thị trường tỷ dân này, mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở cửa thêm hàng loạt thị trường mới từ các FTA vừa được ký kết. Muốn vậy, bên cạnh nâng cao chất lượng, người dân, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và bao bì, nhãn mác sản phẩm theo chuẩn quốc tế.
Công nghệ trồng thanh long của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nên giá xuất khẩu chưa cao.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa