"Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với Tổng thống cách đây ít lâu. Sau khi ông ấy lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ", nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy viết trên Twitter.
Ông Biden gọi thỏa thuận này là "một bước tiến quan trọng" trong một tuyên bố, nói rằng: "Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền".
Thỏa thuận sẽ nâng giới hạn nợ trong hai năm, đồng thời hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi các khoản tiền COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và bao gồm một số yêu cầu công việc bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo tại Mỹ.
"Ông chủ Nhà Trắng" và Nghị sĩ McCarthy đã có một cuộc điện thoại kéo dài 90 phút vào tối 27/5 để thảo luận về thỏa thuận này. "Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm tối nay để hoàn thành việc viết nó", ông McCarthy nói với các phóng viên ở Điện Capitol. Nghị sĩ hàng đầu Đảng Cộng hoà cho biết ông dự kiến sẽ viết xong dự luật vào ngày 28/5, sau đó nói chuyện với Tổng thống Biden và bỏ phiếu về thỏa thuận vào thứ tư, ngày 31/5.
Ông nói: "Nó có sự cắt giảm lịch sử trong chi tiêu, những cải cách tiếp theo sẽ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo tham gia vào lực lượng lao động, kiềm chế sự tiếp cận quá mức của chính phủ - không có thuế mới, không có chương trình mới của chính phủ".
Tổng thống Biden và Nghị sĩ McCarthy phải cẩn thận để tìm ra một thỏa hiệp có thể vượt qua Hạ viện, với đa số mong manh 222-213 của Đảng Cộng hòa và Thượng viện và thế đa số tương tự 51-49 của Đảng Dân chủ.
Các đảng viên Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã thúc đẩy cắt giảm mạnh chi tiêu và các điều kiện khác, đồng thời chỉ trích gay gắt thỏa thuận này khi một số chi tiết được báo cáo trong những ngày gần đây.
Đảng Cộng hòa nói rằng họ muốn cắt giảm chi tiêu để làm chậm tốc độ tăng nợ của Mỹ, hiện gần tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế nước này. Ông Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ đã thúc đẩy tăng thuế đối với những người giàu có và các công ty để giảm nợ.
Bế tắc kéo dài về việc tăng trần nợ đã khiến thị trường tài chính hoảng sợ, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng, nếu vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Công cuộc nâng trần nợ dự kiến sẽ không được hoàn thành sớm, McCarthy đã tuyên bố sẽ cho các thành viên Hạ viện 72 giờ để đọc luật trước khi đưa nó ra sàn để bỏ phiếu. Điều đó sẽ kiểm tra xem liệu có đủ thành viên ôn hòa ủng hộ các thỏa hiệp trong dự luật để vượt qua sự phản đối từ cả Đảng Cộng hòa cứng rắn và Đảng Dân chủ cấp tiến hay không.
Sau đó, nó sẽ cần phải thông qua Thượng viện, nơi nó sẽ cần ít nhất 9 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa để thành công.
Ông nhấn mạnh thỏa thuận sơ bộ là "sự thỏa hiệp, đồng nghĩa không phải ai cũng đạt được điều họ muốn". "Tuy nhiên, động thái này sẽ ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc, nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế và hàng triệu việc làm bị mất", Tổng thống Biden nói thêm.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do Quốc hội thiết lập. Bộ Tài chính Mỹ sau đó phải áp dụng các "biện pháp đặc biệt" để tiếp tục cấp ngân sách cho hoạt động của Chính phủ, trong thời gian chờ Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội Mỹ nhất trí về nâng trần nợ công.
Yêu cầu của phe Cộng hòa trong các cuộc đàm phán là Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu mạnh tay để làm chậm tốc độ tăng nợ công của Mỹ, hiện gần tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế nước này. Phe Cộng hòa cũng muốn đưa ra các yêu cầu về công việc đối với một số chương trình phúc lợi dành cho người có thu nhập thấp. Biện pháp này sẽ giảm số người được bảo hiểm và nhận trợ cấp.
Lần gần nhất Mỹ trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011, khi Tổng thống và Thượng viện cũng thuộc Đảng Dân chủ và Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội cuối cùng ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm và một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.
(Nguồn: Reuters)