Phúc Nguyễn nổi tiếng là một chuyên gia đào tạo sắc đẹp, "ông trùm hoa hậu" và là người sáng lập công ty Leading Media chuyên đưa các thí sinh của Việt Nam tham gia nhiều đấu trường sắc đẹp quốc tế và đạt được những thành công nhất định.
Chúng tôi đã có cuộc chia sẻ về công việc đào tạo của Phúc Nguyễn, về tình hình tràn lan hoa hậu hiện nay. Đặc biệt là "cuộc chiến" tranh gianh bản quyền hoa hậu đang khá ầm ĩ trên nhiều mặt báo.
"Ông trùm hoa hậu" Phúc Nguyễn. |
Danh hiệu hoa hậu đang bị mai một đi
- Anh nổi tiếng là một chuyên gia đào tạo các thí sinh tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế. Anh có thể tiết lộ, anh đã đào tạo những gì để có thể có một Phương Khánh thành Hoa hậu Trái đất, Kim Duyên, Thanh Ngân thành Á hậu Hoa hậu Siêu quốc gia và rất nhiều nam vương không?
Công tác của một người đào tạo phải làm được tất cả cái cần trong một cuộc thi. Ví dụ đầu tiên đó là: Tỏa sáng như thế nào? Tự tin như thế nào? Trả lời trước công chúng như thế nào?... Cái thứ hai là sắc đẹp như thế nào thì phù hợp với cuộc thi nào vì mỗi một cuộc thi sẽ có tiêu chuẩn về sắc đẹp khác nhau.
Cái thứ ba là phong cách của thí sinh, trang phục và cách trình diễn, xuất hiện trước công chúng như thế nào?... thì bản thân tôi phải là người nắm được cái tổng thể và luôn có một giáo trình cụ thể. Tuy nhiên, tôi không thể một mình làm hết được tất cả những điều đó mà sẽ chọn cho các thí sinh những người thầy giỏi nhất ở từng lĩnh vực. Do vậy, nói mình là người đào tạo nhưng tôi không lãnh hết được những cái công đó.
Đào tạo nhưng mỗi một vị trí sẽ có một chuyên gia riêng cho nên việc đào tạo này tôi chỉ là người nắm được tất cả những vấn đề nào cần đào tạo. Tôi giống như một ban giám khảo cuối cùng chứ để nói dạy cho các bạn đi catwalk như thế nào thì tôi chỉ dạy được cái cơ bản thôi và mình vẫn phải giao cho một chuyên gia trong lĩnh vực đó.
- Trong khi "nhà nhà" tổ chức các cuộc thi trong nước để tìm người nổi bật đi thi quốc tế thì Phúc Nguyễn và công ty anh lại không tự tổ chức mà thường tìm các thí sinh ở những cuộc thi khác để lựa chọn. Vậy tiêu chí lựa chọn để có những thành công là gì?
Đối với mỗi cuộc thi sẽ có một tiêu chí và câu chuyện riêng cho nó ví dụ như cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ dành cho người chuyên nghiệp, dành cho người có thể sexy nóng bỏng nhưng đối với cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia thì nó lại là một câu chuyện về hành trình của một cô nàng lọ lem thành hoa hậu và câu chuyện về thiện nguyện.
Như vậy, tiêu chí nào đã có thì mình sẽ biết bạn nào thuộc cuộc thi này, bạn nào thuộc cuộc thi kia thì mình sẽ lựa chọn. Nhưng cái căn bản không bao giờ khác nhau ở bất cứ cuộc thi nào đó là ngoại hình của thí sinh, nhân trắc học, chiều cao phải phù hợp với tiêu chuẩn chung của một hoa hậu.
- Hình như bên anh thường chọn á hậu thay cho hoa hậu tại các cuộc thi quốc tế?
Thật ra như thế này, hoa hậu là người đẹp nhất trong một cuộc thi nên hoa hậu thường dựng lên cho mình một cái gì đó rất an toàn gần như là một cái bình phong luôn. Nhưng an toàn quá thì lại không có sự đột phá. Hơn nữa, hoa hậu là phải độc quyền với ban tổ chức cuộc thi đó nên buộc mình phải lựa chọn sự hài hòa không bị ảnh hưởng gì. Chứ nếu chọn rồi mình cứ sợ thì không làm được gì cả.
Để chọn một chiến binh thi quốc tế tôi sẽ thông qua một dự án do bên tôi tổ chức đó là Ngôi sao danh vọng. Những bạn bước vào dự án đó sẽ trở thành tài năng mới của mình và người xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn đi thi. Cho nên vấn đề ở đây, không phải tại sao mình chỉ chọn á hậu mà quan trọng là các bạn có đến với mình hay không. Và các công ty sở hữu những tài năng đó có cho đến với mình hay không. Còn bản thân tôi thì luôn chào mừng tất cả mọi người đến với dự án của tôi.
- Gần đây có một CEO chia sẻ, việc đưa một thí sinh tham gia thi đấu ở sân chơi quốc tế có thể mất từ một tỷ đến chục tỷ. Theo anh con số này thế nào và làm sao để thu hồi lại được sau khi cuộc thi kết thúc?
Có thể có công ty tốn như vậy nhưng đối với tôi khi đưa một thí sinh đi thi đôi khi chẳng tốn kém gì nhiều cả. Tiền bản quyền thì nó tùy theo cuộc thi, có cuộc là 5000 USD, có cuộc là 50.000 USD chẳng hạn. Ngoài ra còn quần áo, trang điểm... nhưng nếu công ty nào đó có mối quan hệ tốt với nhà thiết kế, makeup thì có thể hợp tác hai bên cùng có lợi còn không sẽ phải thuê. Số tiền bỏ ra tùy thuộc vào cuộc thi và mối quan hệ của công ty đó.
Còn việc kiếm tiền bù lại số tiền đi thì mỗi công ty sẽ có kế hoạch khác nhau. Với chúng tôi thì lợi ích mang lại khi đưa thí sinh ra đấu trường quốc tế đó chính là thương hiệu. Chúng tôi không thể đặt ra cùng một lúc cả tiền và thương hiệu vì nó là hai đường thẳng song song không thể giao thoa với nhau được. Cho nên hầu hết tất cả các cuộc thi mà chúng tôi đưa đi thành công nhất đó là thương hiệu mang về cho công ty chứ không phải là tiền
Mọi người có thể đặt ra câu hỏi "ủa sao kỳ vậy?" hoặc "xạo quá!" nhưng mà sự thật là vậy vì mỗi một doanh nghiệp có rất nhiều công ty, bạn có thể kinh doanh vừa công ty xây dựng vừa có thể là công ty cây xanh chẳng hạn và bạn cần phải làm thương hiệu cho nó.
- Thời gian gần đây có quá nhiều cuộc thi hoa hậu. Trên mạng hay nói 1m2 là gặp một cô hoa hậu. Anh nghĩ sao về những lời nói này?
Bản thân là người trong nghề tôi cũng thấy nhột, cũng thấy danh hiệu hoa hậu đang bị mai một đi nhưng cũng không trách được vì đó là cuộc sống. Mình chỉ có hai lựa chọn, một là đi theo một con nước nó đi tới đâu mình phải tới đó hoặc là bước ra.
Ngay từ đầu khi gia nhập, công ty chúng tôi đã đặt ra mục tiêu rằng, mình phải là người dẫn đầu. Và chiến lược của chúng tôi đó chính là chinh phục các giải thưởng quốc tế, thời điểm đó Việt Nam mình không có các giải thưởng quốc tế lớn và chúng tôi đã chứng minh được chiến lược của mình là đúng đắng khi Phương Khánh đoạt giải Hoa hậu Trái đất.
Sau này có người nói chúng tôi không còn mạnh mẽ ở lĩnh vực này nữa nhưng đơn giản bởi chúng tôi nhận ra nó không còn là độc tôn nữa. Chính vì thế chúng tôi cũng bắt đầu thay đổi xu hướng mới đó chính là hợp tác với các công ty khác để mọi người có nhiều cơ hội hơn trong việc chinh phục các giải thưởng quốc tế.
Quan điểm của Phúc Nguyễn hiện tại là hợp tác cùng phát triển. |
Quan niệm của tôi là không nhất thiết phải độc tôn.
- Theo tôi biết thì phía Phúc Nguyễn không còn giữ bản quyền Hoa hậu Trái đất tuy nhiên vẫn giữ Hoa hậu Trái đất Việt Nam. Có phải vì thế mà gần đây khi khởi động cuộc thi Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Trương Ngọc Ánh có chia sẻ rằng: "Chúng tôi đi đăng ký tên Hoa hậu Trái đất thì đã có bên lấy trước rồi, giờ biết làm được gì". Nghĩ sao về lời nói này?
Mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau, đối với tôi cuộc thi Hoa hậu Trái đất hay bất cứ một cuộc thi nào ở trên thế giới thì mình đều là người đến sau cả. Trước mình đều có rất nhiều đơn vị và họ đem đến giá trị nhất định cho thương hiệu đó. Đối với tôi thì tôi có cảm xúc đó là biết ơn vì người đầu tiên đã giúp cho thương hiệu này nổi tiếng, chúng tôi chỉ là kế thừa. Và mình sẽ không phải là người cuối cùng. Đừng vọng tưởng mình sẽ trở thành người cuối cùng giữ nó.
Các mộng tưởng đấy chỉ dành cho những người mới thôi. Bạn đứng ở lầu một bạn thấy mọi thứ nó đẹp quá, nó lung linh, nó gần mình quá nhưng ở lầu 10 rồi lầu 100 thì mọi thứ mới thật rõ ràng hơn. Cho nên ngày hôm nay có thể mình là giám đốc quốc gia của một cuộc thi nhưng ngày mai mình có thể là không.
Vậy hôm nay mình phải như thế nào trong "cuộc chiến" này? Thứ nhất là phải tôn trọng những người đi trước. Thứ hai cảm ơn những người đi sau tiếp tục phát triển nó. Tôi nghĩ rằng, bản thân chị Trương Ngọc Ánh chuyên môn trước đây của chị là phim ảnh nên khi chị bước vào lĩnh vực này cái nhìn của chị có thể chưa cởi mở lắm.
Và cách nhìn của chúng tôi giống như mình có một chú thú cưng, ban đầu mình rất là yêu nó mình quý nó vô cùng nhưng vào khoảng thời gian sau có thể mình đi cho mà. Cho nên cái quan niệm của tôi là không nhất thiết phải độc tôn.
- Tôi vẫn tò mò là bên anh và chị Trương Ngọc Ánh có liên hệ về bản quyền tên gọi cuộc thi trước đó không?
Trước đó thì dĩ nhiên cũng có một cuộc làm việc nhưng thật ra cũng chẳng có thỏa thuận gì hết. Cũng chỉ là những buổi nói chuyện với nhau mà thôi.
- Thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều lùm xùm tranh chấp bản quyền tên gọi các cuộc thi, anh nghĩ sao?
Thật ra việc tranh giành thì bản thân tôi cũng thấy là vô lý. Vô lý chỉ dành cho những người vô lý thôi. Tại vì mọi việc rất là rõ, ví dụ như cuộc thi Hoa hậu Trái đất Việt Nam chẳng hạn đi, trước đó có rất nhiều người giữ bản quyền nhưng kế hoạch của họ cảm thấy không cần đăng ký giữ bản quyền nên tôi bỏ chi phí, thời gian để đăng ký bản quyền thì cái người đi sau có lý do gì để tranh giành.
Mình phải hiểu và phải sống và làm việc theo pháp luật. Thứ hai là mình phải hiểu con đường của mình đi là như thế nào, còn việc tranh giành là không có đúng.
Hội antifan Hoa hậu Ý Nhi hơn 600 nghìn thành viên bất ngờ đổi tên
Thông tin mới về hội nhóm antifan Hoa hậu Ý Nhi khiến cư dân mạng không khỏi chú ý.