Phụ huynh mà nói "Cha mẹ phải vất vả nuôi mày ăn học", thật chả ra làm sao! - Quan điểm khiến nhiều cha mẹ giật mình

Hãy nhớ rằng, con cái không phải gánh nặng, đó là "quả ngọt" mà chúng ta đã chọn lựa gieo mầm...

"Kotaki Kyoudai to Shikuhakku" hay "Anh em nhà Kotaki và Tứ khổ bát khổ" là một bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản. Phim được chắp bút bởi biên kịch Nogi Akiko, dựa trên quan niệm Tứ khổ bát khổ trong Phật giáo. 

Bộ phim tổng cộng 12 tập, mỗi tập có thời lượng 30 phút, kể về các loại đau khổ trên thế giới. Những tập phim, nhân vật được xây dựng một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng lại sâu sắc, mang đến cho khán giả giây phút chiêm nghiêm về cuộc đời, đặt ta giữa những khoảnh khắc đúng sai bất phân để tự nhìn lại chính mình và thấy được cuộc sống này muốn hình vạn trạng ra sao,...

"Phim chữa lành vết thương bằng cách vừa khóc vừa cười", là ý kiến của nhiều khán giả. 

Trong một tập phim, mẹ của nhân vật Satsuki đã có chia sẻ gây tiếng vang. Bà nói: "Phụ huynh mà nói với con cái những lời "cha mẹ phải vất vả nuôi mày ăn học" thật chả ra làm sao. Đối với con cái mà nói, chúng ta tự nguyện sinh chúng ra. Vì con cái là kết tinh từ bố mẹ mà. Tôi chưa bao giờ trách Satsuki. Tôi luôn nói với con "Cha mẹ mong con, yêu con mới sinh con".

Nhiều phụ huynh qua màn ảnh nhỏ đã phải giật mình, tự ngẫm lại bản thân khi nghe những lời đó. 

Lời thoại gây tiếng vang trong phim
Lời thoại gây tiếng vang trong phim "Anh em nhà Kotaki và Tứ khổ bát khổ". Ảnh: Fanpage Nhật ký tuổi hồng

 Đừng than phiền với con cái nữa, cuộc sống vất vả của bạn thực ra không phải vì con cái

Bà mẹ nọ chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội: "Có một thời gian tôi rất bận, đi sớm về muộn. Con gái hỏi sao ngày nào tôi cũng về muộn thế, bà nội đứng bên buột miệng nói: "Không phải là vì con à. Con cần ăn uống, đi học, đi chơi. Bố mẹ phải làm việc chăm chỉ để nuôi con". 

Nghe thế, tôi vội an ủi, nói với con đó không phải sự thật. Tôi bận vì còn nhiều việc phải làm, không liên quan gì đến con. Dạo này, tôi ít có thời gian ở bên con nên sẽ cố gắng điều chỉnh, dành nhiều thời gian cho con hơn. 

Tôi cũng nhắc mẹ chồng, không nên nói như vậy với cháu. Việc người lớn đi làm rõ ràng không phải chỉ vì trẻ nhỏ, tại sao khiến trẻ cảm thấy mình là gánh nặng như vậy? Kể cả khi độc thân hay đã lập gia đình thì chúng ta vẫn phải đi làm, phải kiếm tiền, phải đặt ra các mục tiêu trong công việc để có cuộc sống dư dả hơn. 

Tất nhiên tôi hiểu rằng mẹ chồng nói vậy chỉ vì muốn con hiểu biết và quan tâm đến sự vất vả của cha mẹ, nhưng điều này cũng sẽ gây gánh nặng tâm lý cho con".

Giống như mẹ của nhân vật Satsuki trong "Anh em nhà Kotaki và Tứ khổ bát khổ" đã nói, có con là việc tự mình lựa chọn, không nên tùy ý chỉ trích con cái. Việc nuôi dạy con, cha mẹ phải chịu trách nhiệm nặng nề. Nếu có thể đưa con vào đời thì phải đảm nhận công việc nuôi dạy của mình, không được tìm cách đổ lỗi.

Trong bộ phim "Mưu cầu hạnh phúc" do Will Smith đóng chính, nhân vật Chris Gardner rơi vào cảnh thất nghiệp, ly hôn, vô gia cư, phải trải giấy vệ sinh ra sàn để ngủ trong nhà WC công cộng. Người đàn ông này từng rơi nước mắt vì tình cảnh quá khó khăn, thảm hại của bản thân nhưng chưa một lần, anh lôi con trai ra để trút giận. 

Nhân vật Chris luôn truyền cảm hứng sống tích cực cho con trai
Nhân vật Chris luôn truyền cảm hứng sống tích cực cho con trai

Trái lại, ông bố này luôn cho con hy vọng sống, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh cũng chăm chỉ tìm kiếm cơ hội làm việc, sống ngay thẳng và có một tinh thần lạc quan, tích cực. Cuối cùng, Chris nhận được công việc mơ ước, sau đó khởi nghiệp thành công, thành lập công ty môi giới chứng khoán nhiều triệu đô la cho riêng mình. 

Trong mắt con trai, ngay cả khi giàu có hay nghèo khó, Chris vẫn luôn là một anh hùng!

Thực tế, cuộc sống của người trưởng thành không hề dễ dàng. Chúng ta có thể gặp khó khăn trong công việc, nhưng những khó khăn này không thích hợp để kêu ca, phàn nàn với trẻ nhỏ. Trách nhiệm của người lớn là phải gánh chịu áp lực cuộc sống, con cái không nên là vật chứa đựng cảm xúc của cha mẹ.

Những lời kêu ca, than vãn của chúng ta chỉ khiến con trẻ có lòng tự trọng thấp và vô thức che giấu nhu cầu tâm lý của mình. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về tâm lý. 

Một khi đã chọn làm cha mẹ, bạn phải hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ, cũng như sự vất vả, mệt mỏi khi chăm con. Không cần phải nói với con rằng chúng ta vất vả như thế nào. Trong khi chúng ta làm việc chăm chỉ, hạnh phúc sẽ tăng lên từng ngày.

Hãy nhớ rằng, con cái không phải gánh nặng, đó là "quả ngọt" mà chúng ta đã chọn lựa gieo mầm...

Mỗi khi định "xả" lên con, cha mẹ hãy nhớ những điều này

Cha mẹ cũng là con người, cũng có cảm xúc "hỉ nộ ái ố", nhưng là cha mẹ, vì sự phát triển lành mạnh của con cái, chúng ta phải quản lý tốt cảm xúc cá nhân và không truyền năng lượng tiêu cực của mình cho con.

Để làm được điều đó, thứ nhất, hãy nhận thức được cảm xúc của bản thân. Phàn nàn là vì trong lòng cha mẹ đang chán nản và muốn nói ra. Thường khi phàn nàn hay nói chuyện, người ta cũng không nghĩ đến cảm xúc đó là gì, nó đến từ đâu mà chỉ nói về nó.

Chúng ta cần hiểu cảm xúc hiện tại là gì, tức giận hay lo lắng. Khi bạn "gọi tên" chúng, bạn thực sự nhận thức được chúng. Khi nhận thức được điều đó, hãy tự nhủ bản thân dừng lại, đừng lo lắng, đừng chối bỏ cảm giác khó chịu trong lòng. Đây là quá trình chấp nhận cảm xúc.

Thứ hai, cha mẹ hãy chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. 

Con cái không phải là lý do khó khăn trong cuộc sống, chẳng nhẽ người không có con thì không phải bon chen, vất vả? Đừng tự cho mình là vĩ đại, không phải "mọi thứ đều vì con", mà trái lại, con cái chính là động lực phấn đấu của cha mẹ.

Người lớn phải chịu trách nhiệm về cuộc sống và cảm xúc của chính mình, học cách tự mình điều chỉnh cảm xúc của mình. Con người luôn gặp rắc rối bởi sự việc và cảm xúc, trên thực tế, điều đó không phụ thuộc vào việc đã xảy ra mà phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi người về sự việc đó. Cũng như việc mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau khi nghe cùng một bản nhạc. Mỗi người sẽ có những hiểu biết và thái độ khác nhau trước cùng một tình huống nên sẽ xử lý khác nhau, kết quả đương nhiên cũng sẽ khác.

Vì vậy, việc chủ động điều chỉnh cách nhìn của mình về mọi việc, nhìn thực tế từ góc độ tích cực hơn sẽ giúp cha mẹ giảm bớt lo lắng, căng thẳng. Ngoài ra, hít thở sâu và tập thể dục cũng là phương pháp tốt.

Nếu cha mẹ giải quyết tốt cảm xúc của chính mình thì khi đối xử với con cái sẽ dễ chịu hơn rất nhiều, không khí gia đình sẽ hòa thuận hơn.

Cha mẹ không cần nói cho con biết cuộc sống vất vả, khó khăn thế nào. Khi lớn lên con cũng có thể trải qua. Chúng ta chỉ cần tích cực, lạc quan, dành nhiều tình yêu thương và động viên cho con, khiến con thấy bình yên là được. Đồng thời, cha mẹ hãy là tấm gương tốt cho con em, giúp con kiên cường hơn trong cuộc sống sau này. 

Thanh Hương