Sân bay Long Thành nằm trong Top 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới

Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Sáng nay, 5/1, dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đã khởi công sau đúng 10 năm chuẩn bị.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Chỉ riêng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên khoảng 109.111 tỷ đồng.

Lợi thế của Sân bay Long Thành là chỉ với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, Châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, do vậy, dự án được khẳng định sẽ trở thành sân bay trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và Châu Á sau 2030, khi toàn bộ dự án hoàn thành. 

Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công  sân bay Long Thành . Ảnh: VGP
Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công sân bay Long Thành . Ảnh: VGP

Thủ tướng thông tin theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5% khi đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc đầu tư, hoàn thành dự án mở này ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, đến năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Hiện 2 cảng hàng không lớn của Việt Nam là Tân Sơn Nhất, Nội Bài đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải. Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam. Nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư đạt cấp 4F, là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, khi hoàn thành sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với nhiều hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Quyết định phê duyệt vào tháng 11/2020, giai đoạn 1 được phân chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước. Dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nguồn ảnh: ACV
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nguồn ảnh: ACV

Dự án thành phần 3 với các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, bao gồm hạ tầng chung, công trình tại khu bay, sân đỗ tàu bay, hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá số một, nhà để xe, tòa nhà điều hành cảng và các công trình phụ trợ khác. Dự án thành phần 4 là các công trình khác.

Trong đó, dự án thành phần 3 với mức đầu tư lên tới hơn 99.000 tỷ đồng được giao cho ACV đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. 

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên ACV, cho biết vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có, và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020-2025 dành riêng cho dự án, là 6.877 tỷ đồng. Số còn lại dự kiến được huy động dưới nhiều hình thức, như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... 

Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, hiện 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án, với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.

Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định thêm hiện công ty có 2 yếu tố thuận lợi. Thứ nhất là mặt bằng cần thiết đã được tỉnh Đồng Nai bàn giao. Thứ hai là nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng. ACV dự kiến thực hiện dự án trong 60 tháng, đưa vào khai thác tháng 12/2025. 

Để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đúng tiến độ đề ra vào năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo ACV thực hiện dự án thành phần 3 đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ. 

Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 280 ha, bố trí chỗ ở cho gần 30.000 người. Ảnh: VnExpress
Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 280 ha, bố trí chỗ ở cho gần 30.000 người. Ảnh: VnExpress

Chủ đầu tư các dự án thành phần 1, 2 và 4 còn lại, bao gồm Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm khởi công để đảm bảo hoàn thành cùng tiến độ dự án thành phần 3.

Thủ tướng yêu cầu Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải là dự án “Chất lượng hàng đầu, Tiến độ đúng yêu cầu, Chủ đầu tư gương mẫu, Không thất thoát, lãng phí, tiêu cực và Tuyệt đối an ninh, an toàn”.

Hiện Đồng Nai đã bàn giao khoảng 2.600 ha cho giai đoạn 1 dự án, và cam kết sẽ tập trung lực lượng hoàn thiện diện tích còn lại trong năm 2021. Chỉ riêng công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bơm mìn, chủ đầu tư đã cho khoảng 7.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế cho cả vùng Đông Nam Bộ và nền kinh tế.

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F với 1 đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m. Một sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động, đáp ứng công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cùng với đó là xây dựng một đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m và các hạng mục phụ trợ. Các công trình của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong Cảng, như: Hải quan, Công an cửa khẩu, Cảng vụ hàng không; đơn vị quản lý khai thác, điều hành bay; các hãng hàng không...

Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng sẽ được kết nối với các tuyến giao thông, bao gồm tuyến số 1 kết nối với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quy mô 4 làn xe và các nút giao.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương